Cô trò Trường Tiểu Học Nguyễn Viết Xuân (Bà Rịa - Vũng Tàu) hái lộc đầu Xuân trong ngày đầu năm mới. Ảnh: INT |
Để học sinh làm quen với nhịp độ học tập sau kỳ nghỉ Tết, các cơ sở giáo dục đều có giải pháp để tạo không khí vui tươi trong buổi đầu trở lại trường. Cùng với học sinh trên toàn tỉnh Hưng Yên, thầy trò Trường THPT Minh Châu (huyện Yên Mỹ) triển khai hoạt động dạy học sau Tết từ 27/1.
Dù thời tiết khá lạnh, nhưng theo cô Nguyễn Thị Hồng Lê, học sinh đến trường đầy đủ và đúng giờ. Trước đó (trước nghỉ Tết và vào mồng 5 Tết), nhà trường đã thông báo, khuyến khích lồng ghép hoạt động Tết cổ truyền gắn với học tập, lưu ý thầy cô chuẩn bị kỹ hơn và mang đến bài giảng hay, mới mẻ dịp đầu Xuân.
“Thực hiện tinh thần đó, tiết học đầu tiên, tôi chuẩn bị và cho học sinh tìm hiểu về phong tục tập quán ngày Tết, xen kẽ là câu hỏi nhằm ôn lại kiến thức cũ. Những em có câu trả lời đúng đều được nhận lì xì là hoa điểm mười hoặc phần quà nhỏ tượng trưng cho sự may mắn. Nhờ vậy, không khí học tập vui vẻ, sôi nổi nhưng vẫn hiệu quả”, cô Nguyễn Thị Hồng Lê kể lại.
Thời điểm này, thầy trò trên địa bàn huyện Việt Yên (Bắc Giang) đã ổn định nền nếp dạy học. Trong thời gian tới, bà Đỗ Thị Hương, Trưởng phòng GD&ĐT, cho biết: Phòng GD&ĐT Việt Yên tiếp tục chỉ đạo các trường mầm non, tiểu học, THCS tập trung thực hiện tốt kế hoạch năm học. Trong đó, chú trọng nâng cao chất lượng giáo dục, tăng cường giáo dục kỹ năng sống, phòng tránh tại nạn thương tích; tăng cường tổ chức các hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp tạo sân chơi lành mạnh, bổ ích cho học sinh những ngày đầu Xuân.
Các nhà trường quan tâm phối hợp với cha mẹ và chính quyền địa phương quản lý chặt chẽ học sinh, không để các em bị lôi kéo vào các tệ nạn xã hội. Cùng với đó, toàn ngành tiếp tục tập trung thực hiện tốt Tết trông cây do UBND huyện phát động nhân dịp đầu Xuân năm mới, tạo cảnh quan sư phạm nhà trường sáng - xanh - sạch - đẹp và an toàn.
Thầy Hồ Việt Khoa, giáo viên Trường THPT Đầm Dơi (Cà Mau) lì xì cho học sinh. Ảnh: NVCC |
Ngày 27/1, học sinh trên địa bàn tỉnh Kiên Giang trở lại trường sau thời gian nghỉ Tết Nguyên đán. Ông Huỳnh Văn Hóa, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT cho biết: Học sinh trở lại trường ổn định, sĩ số lớp không có biến động lớn. Nhà trường, thầy cô giáo bắt tay ngay vào việc dạy học và duy trì nền nếp.
Nhiều trường học tổ chức hoạt động văn nghệ, đố vui, các trò chơi dân gian để thu hút học sinh. Một số đơn vị còn huy động nguồn lực trao quà, học bổng cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn, góp phần giáo dục học sinh tinh thần tương thân tương ái, biết giúp đỡ bạn bè trong học tập, chia sẻ khó khăn với các bạn có hoàn cảnh khó khăn.
Tại Cà Mau, để học sinh trở lại trường đủ sĩ số và an toàn, Sở GD&ĐT đề nghị trưởng phòng GD&ĐT, thủ trưởng các đơn vị, trường học tăng cường công tác chỉ đạo, kiểm tra nền nếp dạy và học từ ngày đầu tiên sau kỳ nghỉ Tết, đảm bảo tất cả hoạt động của nhà trường luôn được thông suốt, nghiêm túc và chất lượng. Sở cũng chỉ đạo giáo viên chủ nhiệm tuyên truyền, vận động học sinh, vận động trẻ đến lớp đúng thời gian quy định, có biện pháp hỗ trợ trò có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, nhằm hạn chế tình trạng học sinh bỏ học sau Tết.
Ngày 30/1, ngành GD-ĐT tỉnh Tiền Giang đón trên 332 nghìn học sinh tại 520 cơ sở giáo dục trở lại trường. Theo ông Lê Quang Trí, Giám đốc Sở GD&ĐT, trước ngày học sinh đi học trở lại, các cơ sở giáo dục thông qua giáo viên chủ nhiệm bằng các phương tiện như điện thoại, các kênh mạng xã hội đã thông báo ngày đến trường cho học sinh. Qua đó, trường nắm bắt sĩ số, kịp thời báo cáo, xử lý các trường hợp có nguy cơ nghỉ học sau Tết.
Theo ông Lê Quang Trí, sau gần 2 tuần nghỉ Tết, học sinh các bậc học có thể không tránh khỏi trình trạng uể oải, lơ là trong việc học. Chính vì vậy, cần “sốc” lại tinh thần học tập cho học sinh trong những ngày đầu năm để từng bước đi vào nền nếp. Với trẻ mầm non, học sinh tiểu học, bên cạnh thầy, cô giáo thì vai trò của phụ huynh rất quan trọng. Cha mẹ cần nhẹ nhàng và tế nhị khuyến khích trẻ lấy lại động lực học tập bằng những nhắc nhở, khơi gợi các câu chuyện về thầy cô, bạn bè…
Đối với cấp THCS, THPT, các em đã có ý thức học tập, trong những ngày đầu năm mới, giáo viên chủ nhiệm cũng như giáo viên bộ môn “sốc” lại tinh thần cho học sinh bằng những bài hát, trò chơi, mẩu chuyện vui, tránh giao bài kiểm tra, bài tập đầu năm…
Là giáo viên giỏi, nhiều năm kinh nghiệm, cô Nguyễn Thị Thúy, Trường THPT Nguyễn Du (Châu Đức, Bà Rịa - Vũng Tàu) thường chuẩn bị các câu hỏi vui cho học sinh trong buổi đầu trở lại trường. Học sinh trả lời đúng thì được cộng điểm lấy may mắn đầu năm, trả lời sai cũng không sao. Lấy được điểm tốt mà không áp lực, lại trong không khí vui vẻ khiến trò phấn chấn với bài học.