Tăng cường hoạt động trải nghiệm
Còn tại Trường Tiểu học Đông La (Hoài Đức, Hà Nội), dù bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh nhưng hoạt động tuyên truyền, giáo dục kỹ năng sống cho hơn 1.500 học sinh của trường vẫn được tổ chức một cách linh hoạt. Bằng việc lên kế hoạch và tổ chức thực hiện bài bản nên đã thu hút đông đảo học sinh, phụ huynh cùng tham gia.
Cô Dương Thúy Hà - Hiệu trưởng nhà trường cho biết, gần như năm nào trường cũng tổ chức hoạt động ngoại khó cho học sinh đi thăm quan thực tế ở những địa điểm lịch sử, viện bảo tàng, khu trải nghiệm... Thời gian qua, nhà trường đã cho các em tới thăm Bảo tàng Đường Hồ Chí Minh tại quận Hà Đông. Tại đây, dưới sự thuyết minh của các hướng dẫn viên mà học sinh phần nào hiểu được giá trị to lớn của lịch sử dân tộc, tinh thần yêu nước của các thế hệ cha ông để giành độc lập, tự do cho Tổ quốc.
Chị Nguyễn Thị Thanh Thúy - trú quận Hà Đông chia sẻ: "Trong suốt thời gian qua bị dịch Covid-19, lớp các con gần như không thể tổ chức đi trải nghiệm ở đâu. Khi cơ quan tổ chức đi từ thiện ở Trung tâm Phục hồi chức năng người khuyết tật Thụy An trên Ba Vì, tôi đã cho cả con trai đang học lớp 3 đi cùng. Tại đây, con được chứng kiến và giao lưu với những mảnh đời còn thiếu may mắn nhưng vẫn luôn tràn đầy nghị lực sống để vươn lên. Tôi mong con hiểu được giá trị của tình yêu thương, tinh thần nỗ lực để có thể đứng vững trước sóng gió của cuộc đời".
Tăng cường các hoạt động trải nghiệm tại trường cũng là ưu tiên hàng đầu của Trường THCS Mỹ Đình 1. Trong đó có ngày hội văn hóa đọc sách, kỹ năng sống, trải nghiệm STEM. Học sinh được vận dụng khoa học vào thực tiễn, từ vật liệu tái chế thành sản phẩm để thể hiện ước muốn bản thân; thi vẽ tranh để bộc lộ ước mơ của mình sau này như chào mừng SEA Games, Ngày sinh nhật Bác Hồ...
Ngoài ra, các em cũng được đi thăm quan một số bảo tàng quanh Hà Nội như Bảo tàng dân tộc học Việt Nam để hiểu được văn hóa các dân tộc. Xác định mục đích của chuyến đi, xây dựng phiếu bài tập, phiếu thu hoạch để học sinh vừa đi vừa quan sát vừa làm phiếu. Mình phải lắng nghe trẻ, không áp đặt để xem các em đang thiếu gì để thầy cô hỗ trợ.