Theo nhóm giảng viên của Trường Sư phạm, Trường ĐH Vinh thì quản lý lớp học hiệu quả sẽ khó khăn hơn nhiều đối với giáo sinh, những người chưa có nhiều kinh nghiệm. Nhiều giáo sinh bị sốc và gặp lúng túng bởi những hành vi gây rối bất ngờ của học sinh. Họ thường phản ứng mạnh hơn và có nhiều khả năng phản ứng lại hành vi không phù hợp với học sinh.
“Để tăng cường trải nghiệm thực tiễn cho sinh viên, trong dự giờ trải nghiệm cho sinh viên thông qua các đợt rèn luyện nghiệp vụ sư phạm hoặc xem video các tiết dạy, chúng tôi yêu cầu sinh viên quan sát cách quản lý lớp học và đánh giá tác động của giáo viên đối với việc học tập của học sinh. Sẽ có 2 mẫu phiếu để sinh viên phân tích quản lý lớp học và quan sát quản lý hành vi của học sinh để viết bài phân tích về tiết dạy/video” - giảng viên Nguyễn Thị Phương Nhung cho biết.
Với tinh thần đó, giảng viên Nguyễn Thị Phương Nhung đề xuất, chương trình đào tạo giáo viên nên tập trung vào hai vấn đề: Cung cấp cho giáo sinh các phương pháp hướng dẫn để quản lý lớp học và thực thi có hướng dẫn kèm theo phản hồi. Rèn luyện kỹ năng thực hành cụ thể về quản lý lớp học tạo ra một môi trường tích cực gắn với bối cảnh lớp học thực tế.
Hiện Trường Sư phạm, Trường ĐH Vinh đã bổ sung học phần chuyên ngành tự chọn “Công tác chủ nhiệm lớp ở trường tiểu học” với thời lượng 2 tín chỉ. Trong đó, 1 tín chỉ cho nội dung về quản lý lớp học hiệu quả.
Giảng viên cũng xây dựng các tình huống giả định để sinh viên luyện tập kỹ năng quản lý lớp học. Từ những gián đoạn nhỏ trong lớp học như học sinh ngủ trong lớp, nói chuyện với nhau trong giờ học… cho đến những vấn đề như học sinh chống đối, đánh nhau… Sinh viên thực hành xử lý các tình huống theo nhóm, xem xét, đánh giá cách thức quản lý lớp học đã thể hiện, đánh giá tính hiệu quả.
Theo giảng viên Nguyễn Thị Phương Nhung thì ưu tiên việc đánh giá nhận xét về cách sinh viên tạo bầu không khí hỗ trợ trong lớp học; phòng ngừa, hỗ trợ học sinh, đáp ứng nhu cầu cảm xúc của trẻ; hình thành các kỹ năng tự điều chỉnh cho học sinh.
PGS.TS Lưu Trang - Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm, ĐH Đà Nẵng nhận xét: “Việc đào tạo, bồi dưỡng giáo viên, trong đó có giáo viên tiểu học trong bối cảnh giáo dục Việt Nam đang không ngừng vận động và phát triển theo xu hướng đổi mới, trước hết là đổi mới giáo dục phổ thông.
Giáo dục tiểu học - một phần rất quan trọng trong hệ thống giáo dục quốc gia đang đứng trước những tình huống cần được quan tâm, giải quyết và có thể dự phần trong lộ trình phát triển, đổi mới thực chất giáo dục Việt Nam”.
Do đó, các trường sư phạm phải tạo được môi trường để sinh viên được trải nghiệm thực tế vừa rèn luyện, phát triển kỹ năng linh hoạt, mềm dẻo và góp phần xây dựng, phát triển tình cảm cùng các giá trị nghề nghiệp, cốt lõi khác.
“Khung năng lực dạy học tích hợp môn học sẽ giúp sinh viên học được cách xây dựng các kế hoạch dạy học chất lượng, từ đó đảm bảo sự tiến bộ và phát triển của học sinh. Khung năng lực cũng giúp sinh viên nhận ra tầm quan trọng của môn học trong đời sống và sự phát triển của trẻ”. - Giảng viên Nguyễn Thị Châu Giang - Trường ĐH Vinh