Chùa cũng là nơi gìn giữ và phát huy những văn hóa, giáo dục đào tạo con em của đồng bào dân tộc nhằm bảo tồn giá trị văn hóa như: tiếng nói, chữ viết, hoa văn kiến trúc.
Đồng bào dân tộc Khmer và sư sãi đã giữ gìn và phát huy tốt các lễ hội văn hóa dân tộc, tôn giáo đi vào đời sống, tinh thần như: lễ cưới, mừng năm mới (Chôl Chnăm Thmây), lễ giỗ ông bà quá cố (Sene Đônta), lễ mừng được mùa (Ooc Om Boc),...
Vì vậy, theo Tiến sĩ Lộc Thị Thủy cần phát huy giá trị văn hóa thành giá trị du lịch từ nét đẹp văn hóa phum, sóc, lễ hội, công trình kiến trúc của đồng bào Khmer giúp tạo sinh kế bền vững cho đồng bào Khmer.
Tạo sinh kế cho đồng bào Khmer phải dựa trên việc giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống dân tộc |
Để làm được điều này, MTTQ Việt Nam cần tham mưu cho Trung ương Đảng, Chính phủ, thường vụ tỉnh ủy, thành ủy, Ủy ban MTTQ, các sở, ngành, chính quyền địa phương ở các tỉnh, thành ĐBSCL về chính sách phát triển kinh tế văn hóa gắn với du lịch bền vững, chính sách đại đoàn kết dân tộc gắn với bảo vệ an ninh quốc phòng, kinh tế, văn hóa - xã hội, giúp cho người Khmer nói riêng, nền văn hóa Khmer nói chung có đủ thời gian, khả năng, cơ hội để hội nhập từ từ, dần dần, vững chắc vào nền văn hóa chung của dân tộc Việt Nam.
Từ góc độ địa phương, ông Nguyễn Hữu Phúc, Trưởng ban Dân vận huyện Thới Lai (TP. Cần Thơ) cho rằng nên có sự hỗ trợ của doanh nghiệp và Trường dân tộc nội trú trong việc hướng dẫn, đào tạo nghề, kỹ thuật sản xuất cho con em đồng bào dân tộc Khmer; các doanh nghiệp tạo cơ hội việc làm cho người nghèo đồng bào Khmer.
Cùng với đó là chính sách hỗ trợ người nghèo trong tiếp cận nguồn vốn vay để các hộ Khmer nghèo tiếp cận được nguồn vốn vay đầu tư phát triển sản xuất, tăng thu nhập cho gia đình, giúp hộ nghèo từng bước thoát nghèo và vươn lên khá giả.
Ông Phúc cho rằng: “Để phát huy những cơ hội, tiềm năng, thế mạnh và hạn chế đến mức thấp nhất những thách thức đến từ mặt trái của quá trình hội nhập và kinh tế thị trường, các cấp chính quyền cần có các chính sách, cơ chế phù hợp với văn hóa người Khmer để giúp khắc phục những tồn tại, hạn chế trong tư duy, nhận thức về phát triển kinh tế, văn hóa.
Từ đó, tạo cơ sở cho cộng đồng người Khmer tự đứng vững trên đôi chân của chính mình, trên chính mảnh đất quê hương, chứ không phải phụ thuộc quá nhiều vào sự trợ giúp như trước đây. Đây cũng là cách thức tốt nhất giúp cho đồng bào Khmer ở ĐBSCL phát triển.”