Theo quy định của Nhà nước, nhiều ngành đào tạo được miễn học phí. Đây là một trong những chính sách nhằm thu hút nhân tài.
Tuy nhiên, thí sinh lưu ý lựa chọn ngành, trường học để bảo đảm chính sách thực sự phát huy trong thực tiễn.
Nghị định 81/2021/NĐ-CP ngày 27/8/2021 của Chính phủ quy định các ngành Sư phạm được miễn học phí, gồm: Sư phạm Mầm non, Sư phạm Tiểu học và ngành Sư phạm các môn học ở THCS công lập, Giáo dục THPT, Giáo dục đặc biệt, Giáo dục thể chất, Giáo dục Quốc phòng - An ninh. Ngoài ra, theo Nghị định số 116/2020/NĐ-CP của Chính phủ, sinh viên sư phạm sẽ được hỗ trợ 2 khoản kinh phí là học phí và sinh hoạt phí. Mức hỗ trợ 3,63 triệu đồng/tháng (mỗi năm học 10 tháng).
Tuy nhiên, PGS.TS Nguyễn Văn Tuân - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Thủ đô Hà Nội lưu ý, sinh viên sư phạm được hưởng chính sách nêu trên nhưng không thực hiện công tác trong ngành Giáo dục sau 2 năm hoặc đủ 2 năm (tính từ ngày có quyết định công nhận tốt nghiệp) sẽ phải chịu trách nhiệm bồi hoàn lại kinh phí hỗ trợ học phí và chi phí sinh hoạt theo quy định. Ngoài ra, thí sinh xét tuyển vào ngành Sư phạm phải bảo đảm ngưỡng chất lượng đầu vào theo quy định của Bộ GD&ĐT, cơ sở đào tạo và cần khắc phục tật nói ngọng (nếu có).
Theo khảo sát đầu ra các ngành nghề của Trường Đại học Sư phạm Hà Nội (bao gồm các ngành trong và ngoài sư phạm) trong 2 năm gần đây, tỷ lệ sinh viên có việc làm sau khi tốt nghiệp đạt hơn 96%. PGS.TS Nguyễn Văn Hiền - Chủ tịch Hội đồng trường thông tin, vị trí việc làm của sinh viên sư phạm rất đa dạng như: Giảng viên các trường đại học có ngành Sư phạm/ hoặc ngoài Sư phạm; giáo viên phổ thông; các công việc liên quan đến tư vấn giáo dục…
“Nhìn chung cơ hội việc làm của sinh viên rộng mở, nhất là trong bối cảnh nhiều địa phương còn thiếu giáo viên, đặc biệt giáo viên dạy các môn tích hợp (Lịch sử - Địa lý, Khoa học tự nhiên), môn học mang tính đặc thù như: Tiếng Anh, Tin học, Âm nhạc, Mỹ thuật”, PGS.TS Nguyễn Văn Hiền chia sẻ.
Triết học Mác - Lênin và Tư tưởng Hồ Chí Minh cũng là những ngành được miễn học phí. TS Vũ Ngọc Lương - Học viện Báo chí và Tuyên truyền nhận thấy, nhiều bạn cho rằng, cơ hội nghề nghiệp của sinh viên 2 chuyên ngành này bị bó hẹp trong một số công việc nhất định.
Tuy nhiên, sinh viên học những ngành này ra trường làm ở nhiều vị trí công việc khác nhau. Chẳng hạn như: Giảng viên tại các trường đại học, cao đẳng, trường chính trị của thành phố, tỉnh… hay cán bộ nghiên cứu ở các viện, trung tâm nghiên cứu chuyên ngành, cán bộ tham mưu, tư vấn về văn hóa tư tưởng trong các tổ chức, cơ quan thuộc hệ thống chính trị từ Trung ương tới địa phương.
Ngoài ra, các em có thể làm việc ở các vị trí như: Chuyên viên báo chí phụ trách mảng lý luận của các báo, tòa soạn, tạp chí, cán bộ tuyên giáo của Đoàn Thanh niên tại Bảo tàng Hồ Chí Minh, hoặc cán bộ chuyên môn làm tại các UBND từ cấp xã/phường trở lên.
Dù không có yêu cầu đầu vào “đặc biệt” như sư phạm hoặc công an, quân đội nhưng TS Vũ Ngọc Lương khuyên, học sinh hãy tự đặt ra điều kiện cần và đủ cho mình, bởi thực tế cho thấy, thách thức lớn nhất đến từ chính bản thân mỗi chúng ta. Ngành học này có tính ứng dụng thực tiễn cao nên chỉ cần các em nỗ lực trong học tập và phát triển bản thân thật tốt thì có nhiều cơ hội việc làm sau khi tốt nghiệp.
Tại Nghị định 97/2023/NĐ-CP sửa đổi bổ sung một số điều của Nghị định số 81/2021/NĐ-CP, Chính phủ quy định về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập; giá dịch vụ trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo. Riêng chính sách miễn giảm học phí vẫn quy định theo Nghị định số 81/2021/NĐ-CP.
Cụ thể, Chính phủ quy định những chuyên ngành được miễn 100% học phí gồm: Chuyên ngành Mác-Lê Nin; Tư tưởng Hồ Chí Minh; Chuyên ngành Lao; Phong; Tâm thần; Giám định pháp Y; Pháp y tâm thần; Giải phẫu bệnh tại các cơ sở đào tạo nhân lực y tế công lập theo chỉ tiêu đặt hàng của Nhà nước.
Luật Khám chữa bệnh có hiệu lực từ ngày 1/1/2024 (thay thế cho Luật Khám bệnh, chữa bệnh năm 2009) quy định thêm 2 ngành được Nhà nước hỗ trợ toàn bộ học phí và chi phí sinh hoạt trong toàn khóa học là: Truyền nhiễm và Hồi sức cấp cứu. Tuy nhiên, sinh viên phải đạt kết quả học tập, rèn luyện đủ điều kiện để cấp học bổng tại cơ sở đào tạo thuộc khối ngành sức khỏe của Nhà nước.
Bên cạnh đó, đối tượng hưởng chính sách này còn là người học các trình độ trung cấp, cao đẳng đối với những ngành, nghề khó tuyển sinh nhưng có nhu cầu theo danh mục do Nhà nước quy định.
TS.BS Nguyễn Thị Hồng Liên - Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Y tế Đặng Văn Ngữ (Hà Nội) cho hay: Kỹ thuật xét nghiệm Y học và Điều dưỡng là hai ngành cơ bản của khối ngành Sức khỏe, có vai trò quan trọng, hỗ trợ chính trong chẩn đoán, điều trị và chăm sóc sức khỏe con người. Đây cũng là hai ngành nghề trọng điểm quốc gia.
“Ngoài được giảm 70% học phí, nhà trường có nhiều chính sách ưu đãi dành cho sinh viên”, TS.BS Nguyễn Thị Hồng Liên nhấn mạnh, đồng thời cho biết, những năm gần đây, nhu cầu nhân lực ngành Điều dưỡng và Kỹ thuật Xét nghiệm y học của hệ thống y tế rất lớn. Không những thế, sinh viên tốt nghiệp xong còn có cơ hội xuất khẩu lao động có trình độ ra quốc tế như: Nhật Bản, Đức và nhiều quốc gia khác.
Theo số liệu Quy hoạch mạng lưới cơ sở y tế thời kỳ 2021 - 2030 và tầm nhìn đến 2050 của Bộ Y tế, giai đoạn 2021 - 2030, cả nước cần bổ sung khoảng 304 nghìn điều dưỡng và 1,2 triệu điều dưỡng đến năm 2050. Còn theo dự đoán của Bộ Y tế đến năm 2030, cả nước cần bổ sung thêm khoảng 65 nghìn kỹ thuật viên xét nghiệm.
Hoan nghênh chính sách miễn giảm học phí của Nhà nước dành cho một số ngành học, TS Lê Viết Khuyến - Phó Chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam ghi nhận, đây là bước ngoặt lớn trong công tác đào tạo, thu hút nhân tài cho những lĩnh vực quan trọng này.
Việc được hỗ trợ học phí, chi phí sinh hoạt hoặc tạo điều kiện phát triển trong các chuyên ngành nêu trên sẽ giúp người học an tâm tiếp thu kiến thức. Cùng đó, các trường chú trọng hơn tới công tác đào tạo, bồi dưỡng nhân lực, xây dựng chiến lược để phát triển chương trình, thu hút người học.
Theo TS Lê Viết Khuyến, Nhà nước cần bảo đảm “đầu ra” cho sinh viên theo học những ngành được miễn học phí. Có như vậy, chính sách mới phát huy tối đa giá trị nhân văn trong thực tiễn và tạo sức hút cho những ngành đào tạo này.