Hoàn thiện cơ chế chính sách để phù hợp với thực tiễn
Bà Bùi Thị Kim Tuyến- Giám đốc Sở GD&ĐT Hòa Bình chia sẻ: Thống kê hiện nay, toàn tỉnh Hòa Bình có 13 trường PTDTNT với 3.855 học sinh là người DTTS. Mặc dù các trường PTDTNT trong toàn tỉnh luôn quan tâm chăm lo đời sống, giáo dục kỹ năng sống; tập trung đào tạo, nâng cao chất lượng công tác giáo dục toàn diện cho học sinh nhưng công tác giáo dục vẫn còn khó khăn, hạn chế.
Hiệu quả giáo dục còn thấp so với yêu cầu; chất lượng đào tạo mũi nhọn chưa cao; một số cơ chế chính sách, quy định về hoạt động trường PTDTNT không còn phù hợp với thực tiễn; số học sinh là người DTTS được học tại các trường PTDTNT còn thấp, chưa đạt 10% theo Quyết định số 1379/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ...
Để giải quyết những khó khăn này, Tỉnh ủy Hòa Bình đã ban hành Chỉ thị nâng cao chất lượng giáo dục trong các trường PTDTNT nhằm tạo nguồn nhân lực chất lượng cao là người DTTS trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 - 2025. Đây chính là cơ sở, chính sách quan trọng để thúc đẩy đầu tư toàn diện, nâng cao chất lượng các trường PTDTNT trong toàn tỉnh.
Tuy nhiên, từ tháng 6/2021, Quyết định 861 của Chính phủ phê duyệt danh sách các xã khu vực III, khu vực II, khu vực I thuộc vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2025 (gọi tắt QĐ 861) có hiệu lực, nhiều thôn, xã ra khỏi diện ĐBKK, vùng tuyển sinh bị thu hẹp, tác động trực tiếp đến công tác tuyển sinh các trường PTDT nội trú, bán trú. Do đó, tỉnh Hòa Bình mong muốn sẽ có Thông tư mới về Quy chế tổ chức và hoạt động của trường phổ thông DTNT để tạo điều kiện thuận lợi cho các trường trong việc tuyển sinh.
Theo bà Lê Thị Thanh Nhàn - Vụ trưởng Vụ Giáo dục Dân tộc (Bộ GD&ĐT), mô hình giáo dục của các trường PTDTNT đóng vai trò to lớn trong việc tạo nguồn đào tạo cán bộ, bồi dưỡng và phát triển nguồn nhân lực có chất lượng ở vùng dân tộc thiểu số, miền núi, vùng có điều kiện kinh tế, xã hội đặc biệt khó khăn, biên giới và hải đảo.
Tuy nhiên, trong giai đoạn hiện nay, với sự phát triển của kinh tế - xã hội, chất lượng giáo dục ngày càng được nâng lên, khoảng cách về vùng miền ngày càng được thu hẹp, chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới đã làm thay đổi đáng kể đời sống vật chất và tinh thần của vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
Mặt khác, một số văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến chính sách phát triển hệ thống trường PTDTNT đã thay đổi theo Luật Giáo dục 2019. Do đó, các văn bản, chính sách cần được điều chỉnh, hoàn thiện cho phù hợp.
Ngoài ra, vấn đề giáo dục học sinh PTDTNT cũng cần phải linh hoạt, tăng cường hòa nhập đối với học sinh dân tộc thiểu số để các em tiếp cận và đáp ứng được những thay đổi theo sự phát triển kinh tế, xã hội hiện nay.