Phim chỉ đủ quay trong 20 phút cho mỗi lần lặn xuống. Máy quay được gắn vào tàu nghiên cứu Keldysh trong một vỏ thủy lực đặc biệt. Các mô-đun nhỏ - điều khiển bằng sóng vô tuyến - đã được lắp đặt trên cả hai tàu lặn 'Mirs'. Chúng sẽ xâm nhập vào xác tàu Titanic. Những robot nhỏ đã dọn dẹp xung quanh xác tàu, sảnh, boong và cabin - vốn ngập trong rong biển.
Đạo diễn Cameron nói rằng, các nhà thám hiểm thậm chí còn có thông tin chi tiết về những hành khách xấu số và có thể xác định quần áo cũng như vật dụng cá nhân của họ khi tìm kiếm trong cabin. Các nhà thám hiểm cũng lặn xuống dưới boong tàu - nơi chứa hàng hóa.
Tất cả quá trình quay phim sẽ chẳng thể thực hiện được, nếu không có đèn thủy ngân halogen iodua 1.200 watt, được gắn vào thiết bị quay phim.
Theo trang Russia Beyond, một số cảnh quay dưới nước đã thực sự được đưa vào bộ phim 'Titanic' năm 1997 với diễn xuất của Leonardo DiCaprio và Kate Winslet. Tuy nhiên, hầu hết chúng được sử dụng làm tư liệu và giúp tái tạo nội thất và môi trường tổng thể của con tàu.
Buổi ra mắt chính thức của bộ phim diễn ra vào ngày 1/11/1997, tại Liên hoan phim Quốc tế Tokyo. Nhưng Cameron còn làm việc với các nhà khoa học Nga thêm bốn lần nữa, trong các bộ phim: 'Ghosts of the Abyss' (2001), 'Expedition: Bismarck' (2002) - đưa đoàn thám hiểm xuống sâu hơn nữa, tới 4.700 mét, 'Last Mysteries of the Titanic' (2005) và 'Aliens of the Deep' (2005).
Tàu lặn 'Mir-1' trong một nhiệm vụ thám hiểm. Ảnh: Sputnik
Theo trang Russia Beyond, độ sâu tối đa mà tàu lặn 'Mir' có thể lặn xuống là 6.000 mét, được coi là độ sâu của 98,5% đáy đại dương trên Trái đất. Các tàu lặn này được tạo ra để thực hiện các nhiệm vụ thăm dò và tìm kiếm khoa học.
Nhiệm vụ lặn đầu tiên diễn ra vào năm 1987, và 'Mir' đã trải qua 35 cuộc thám hiểm trong 4 năm sau đó.
Ngoài độ sâu của đại dương, 'Mir' đã khám phá Hồ Baikal - nơi sâu nhất trên Trái đất. Tháng 8/2009, đích thân Tổng thống Nga Vladimir Putin đã ngồi trong tàu lặn thám hiểm đáy hồ.
Vào những năm 2000, các tàu lặn 'Mir' được sử dụng để khám phá tàu ngầm Kursk bị chìm ở biển Barents. Một lần khác, 'Mir' được sử dụng trong quá trình tìm kiếm một tàu ngầm Nhật Bản chở vàng, cũng như tìm kiếm Chiến hạm 'Bismarck' bị chìm trong Thế chiến II.
Năm 2007, 'Mir' lần đầu tiên thám hiểm đáy Bắc Băng Dương ở độ sâu 4.300 mét. Các nhà thám hiểm đã lấy mẫu đất và thậm chí còn cắm một lá cờ Nga bằng titan tại địa điểm này.
Hiện tại, các tàu lặn này vẫn được đặt tại Kaliningrad, nhưng không còn tham gia vào các hoạt động thám hiểm và cứu hộ. 'Mir-1' đã trở thành vật trưng bày tại Bảo tàng Đại dương Thế giới (mặc dù, người ta nói rằng nó vẫn hoạt động hoàn hảo và sẵn sàng tham gia bất kỳ hoạt động thám hiểm nào), trong khi 'Mir-2' hiện đang được đặt tại Viện Hải dương học thuộc Học viện Khoa học và Công nghệ Nga.