GDTĐ - Nhằm đối phó với tình trạng hạn hán và ô nhiễm, Thái Lan có kế hoạch triển khai 30 máy bay trên toàn quốc cho các hoạt động gây mưa nhân tạo.
Chính phủ Thái Lan ngày 29/2 cho biết đã thành lập 7 trung tâm trên khắp 77 tỉnh của đất nước để vận hành dự án vào tháng 3 và tháng 4.
Các hoạt động tạo mây nhằm gây mưa nhân tạo của Thái Lan để chống ô nhiễm không khí và đối phó khô hạn ở các khu vực trồng trọt chính của đất nước.
Bộ trưởng Nông nghiệp Thamanat Prompow nói rằng việc tạo mưa là cần thiết để giảm bớt tác động của biến đổi khí hậu đối với ngành nông nghiệp Thái Lan.
Động thái còn nhằm ngăn ngừa mưa đá và cháy rừng ở một số vùng của đất nước. Mưa nhân tạo cũng sẽ giảm bớt các vấn đề ô nhiễm dai dẳng như khói và bụi mịn.
Kế hoạch làm mưa nhân tạo còn giúp Thái Lan bổ sung nguồn cung cấp nước cho các hồ chứa và có thể được sử dụng cho nông nghiệp ở các khu vực cần được tưới tiêu.
Theo cơ quan dự báo thời tiết Thái Lan, mùa hè ở quốc gia Đông Nam Á này bắt đầu vào ngày 21/2 và sẽ kéo dài đến giữa tháng 5.
Theo dự báo Thái Lan sẽ phải đối mặt với một mùa hè khắc nghiệt vào năm 2024 khi nhiệt độ có thể lên tới 44,5 độ C ở một số vùng trên cả nước.
Sự kết hợp của độ ẩm, gió và các yếu tố khác vào năm 2023 đã đẩy chỉ số nhiệt lên mức kỷ lục trên 50 độ C ở nhiều nơi trên cả nước, đẩy nhu cầu điện lên mức cao nhất từ trước đến nay.
Chỉ số nhiệt là khái niệm ám chỉ mức độ nóng mà cơ thể người có thể cảm nhận thấy trên thực tế. Nó là chỉ số kết hợp giữa độ ẩm tương đối, nhiệt độ không khí và tốc độ gió.
Thủ đô Bangkok, Chiang Mai và các thành phố khác của Thái Lan đang phải đối mặt với chất lượng không khí rất kém trong những năm gần đây.
Tình trạng ô nhiễm có xu hướng trở nên tồi tệ hơn vào mùa khô bắt đầu vào khoảng tháng 12, phần lớn do hoạt động đốt sản phẩm nông nghiệp, cháy rừng ở các nước láng giềng và khí thải từ phương tiện giao thông.