Cũng giống như nhiều bạn khác ở trong lớp, em thường xuyên tìm hiểu thông tin về ngành học, trường học và xin ý kiến tư vấn, định hướng từ các thầy cô và các anh chị khóa trước. Tuy nhiên, trong thời đại công nghệ 4.0, các ngành nghề ngày càng có sự biến đổi không ngừng do đó tham gia các buổi ngoại khóa về hướng nghề, hướng nghiệp là rất cần thiết, qua đó chúng em sẽ có cơ hội cập nhật thông tin một cách nhanh chóng và chính xác.
Trường học phối hợp với các đơn vị tổ chức chương trình hướng nghiệp cho các em học sinh. |
Tương tự như các trường THPT khác trên địa bàn, với mục tiêu giúp các em học sinh hiểu rõ hơn về tầm quan trọng của việc làm đúng ngành, đúng nghề trong tương lai, trường THPT Điềm Thụy đã triển khai đa dạng hoạt động hướng nghiệp, trong đó chú trọng đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức về giáo dục hướng nghiệp, phân luồng học sinh trong giáo dục trung học và cung cấp rộng rãi thông tin về tình hình phát triển kinh tế xã hội, nhu cầu thị trường lao động, phục vụ nhu cầu địa phương.
Trao đổi với Báo GD&TĐ, thầy giáo Dương Xuân Bình, Hiệu trưởng trường THPT Điềm Thụy cho biết: Năm học 2022-2023, nhà trường có tổng số 1.335 học sinh, trong đó học sinh khối 12 có 436 em. Để các em nhận thức sớm và có sự lựa chọn đúng về nghề nghiệp trong tương lai, ngoài việc thực hiện chương trình hướng nghiệp theo hướng dẫn của Bộ Giáo dục và đào tạo. Nhà trường còn chú trọng thay đổi phương thức, cách thức tuyên truyền, tổ chức đa dạng các hoạt động hướng nghiệp như: Mời chuyên gia để tư vấn, trao đổi với học sinh, tổ chức các hoạt động trải nghiệm thực tế tại các công ty doanh nghiệp trên địa bàn,…
Trong đó, nhà trường đã phối hợp với nhiều đơn vị như Sở lao động và Thương binh và xã hội tỉnh Thái Nguyên, các trường đại học, cao đẳng, trường nghề, các công ty tuyển dụng, các doanh nghiệp đóng trên địa bàn tỉnh để tư vấn, định hướng cho các em. Thông qua các buổi chia sẻ, trao đổi các em học sinh được tiếp cận và nắm bắt thêm nhiều thông tin, giải đáp những thắc mắc về ngành học, trường học, nghề nghiệp phù hợp với năng lực, điều kiện, hoàn cảnh của mỗi học sinh.
Đối với riêng các thầy cô giáo, đặc biệt là đội ngũ giáo viên chủ nhiệm cần phải quan tâm nhiều hơn, lắng nghe những tâm tư, nguyện vọng, thấu hiểu những mong muốn của học sinh để có thể đưa ra những lời khuyên phù hợp và có sự định hướng đúng đắn cho các em.