Giáo dục

Thận trọng, tỉnh táo với xét tuyển bổ sung

26/08/2024 09:49

Xét tuyển bổ sung mang lại nhiều cơ hội cho thí sinh chưa trúng tuyển. Song, với thí sinh đã trúng tuyển muốn tìm thêm cơ hội ở đợt xét bổ sung, việc này lại tiềm ẩn nhiều rủi ro

Đến thời điểm này, khoảng hơn 50 trường đại học (ĐH) đã thông báo xét tuyển bổ sung với hàng ngàn chỉ tiêu. Tuy nhiên, các chuyên gia giáo dục cho rằng việc tìm kiếm cơ hội ở đợt xét bổ sung để trúng tuyển vào ngành ưng ý, phù hợp là rất khó.

Xét tuyển bổ sung với nhiều phương thức

Dù đang trong thời gian làm thủ tục nhập học cho thí sinh trúng tuyển nhưng nhiều trường ĐH vẫn thông báo xét tuyển bổ sung.

TS Nguyễn Trung Nhân, Trưởng Phòng Đào tạo - Trường ĐH Công nghiệp TP HCM, cho biết trường tuyển bổ sung 205 chỉ tiêu cho phân hiệu tại Quảng Ngãi, theo 2 phương thức là xét tuyển điểm thi tốt nghiệp THPT 2024 và xét học bạ lớp 12.

Mức điểm mà Trường ĐH Công nghiệp TP HCM nhận hồ sơ xét tuyển lần lượt là 17 và 19. Cụ thể, ngưỡng điểm xét tuyển đối với phương thức xét điểm thi tốt nghiệp THPT 2024 là 17 cho các ngành. Phương thức xét học bạ lớp 12 có mức điểm là 19 cho tất cả các ngành.

Trường ĐH Tôn Đức Thắng cũng thông báo xét tuyển bổ sung (nhận hồ sơ đến ngày 5-9) qua các phương thức: xét kết quả học tập THPT, xét kết quả thi tốt nghiệp THPT 2024 và xét kết quả bài thi đánh giá năng lực năm 2024 của ĐHQG TP HCM. Ở chương trình chuẩn, trường xét tuyển bổ sung vào các ngành khoa học môi trường, công nghệ kỹ thuật môi trường, bảo hộ lao động, kỹ thuật xây dựng công trình giao thông. Chương trình chất lượng cao, chương trình ĐH bằng tiếng Anh, chương trình liên kết đào tạo quốc tế cũng xét tuyển bổ sung. Phân hiệu của trường này tại Khánh Hòa cũng tuyển thêm chỉ tiêu ở một số ngành.

Thí sinh trúng tuyển làm thủ tục nhập học Trường ĐH Công thương TP HCM

Thí sinh trúng tuyển làm thủ tục nhập học Trường ĐH Công thương TP HCM

ĐH Kinh tế TP HCM cho biết sẽ xét tuyển bổ sung cho Phân hiệu Vĩnh Long với các chương trình/ngành đào tạo như: thuế, công nghệ và đổi mới sáng tạo, robot và trí tuệ nhân tạo (hệ kỹ sư), kinh doanh nông nghiệp, quản trị khách sạn. Chỉ tiêu bổ sung mỗi ngành từ 10-25 với 2 phương thức tuyển sinh: Xét tuyển quá trình học tập theo tổ hợp (25% chỉ tiêu); xét tuyển dựa trên kết quả thi tốt nghiệp THPT năm 2024 (điểm bài thi/môn thi theo tổ hợp môn xét tuyển).

Nhiều trường ĐH khác như: Hùng Vương TP HCM, Ngoại ngữ - Tin học TP HCM, Quốc tế Sài Gòn, Nguyễn Tất Thành, Hoa Sen, Hồng Bàng... cũng thông báo xét tuyển bổ sung hàng trăm chỉ tiêu.

Đã trúng tuyển có nên mạo hiểm xét bổ sung?

TS Nguyễn Đức Nghĩa, nguyên Phó Giám đốc ĐHQG TP HCM, cho rằng việc nhiều trường ĐH vừa nhận hồ sơ xác nhận nhập học cho thí sinh trúng tuyển vừa thông báo xét tuyển bổ sung là dễ hiểu, bởi số thí sinh trúng tuyển ít hơn chỉ tiêu.

Ngoài ra, số thí sinh nhập học thực tế cũng ít hơn số trúng tuyển. Ông Nguyễn Đức Nghĩa lưu ý đợt xét tuyển bổ sung này không theo lịch trình chung của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) mà do các trường quy định.

Việc nhiều trường xét tuyển bổ sung mở ra cơ hội cho thí sinh không trúng tuyển trong đợt xét tuyển vừa qua, kể cả những em trúng tuyển nhưng muốn tìm cơ hội khác tốt hơn. ThS Phạm Thái Sơn, Giám đốc Trung tâm Tuyển sinh và Truyền thông - Trường ĐH Công thương TP HCM, cho rằng cách thức đăng ký xét tuyển ĐH đã ổn định nhiều năm nay, song thực tế vẫn có những thí sinh đăng ký xét tuyển không phù hợp dẫn đến không trúng tuyển.

Theo ông Sơn, không ít trường hợp thí sinh chỉ đăng ký vào các ngành ở những trường có điểm trúng tuyển năm 2023 cao hơn kết quả điểm thi. Trong khi đó, ngay từ đầu, nhiều trường đã nhận định điểm chuẩn năm nay có xu hướng tăng do kết quả điểm thi tốt nghiệp THPT của thí sinh tốt hơn năm ngoái (trừ tổ hợp B00).

Sau khi các trường ĐH công bố điểm chuẩn theo phương thức xét điểm thi tốt nghiệp THPT, nhiều thí sinh lại có kết quả trúng tuyển vào ngành/chương trình đào tạo mà bản thân không thích bằng kết quả trúng tuyển sớm.

TS Nguyễn Trung Nhân cho biết sau khi các trường ĐH công bố kết quả xét tuyển, nhiều thí sinh liên lạc đến Trường ĐH Công nghiệp TP HCM hỏi xem có xét tuyển bổ sung không. Nhiều em nói do không hiểu cách thức xét tuyển nên đặt các nguyện vọng theo kết quả tốt nghiệp THPT trước các nguyện vọng đã trúng tuyển sớm, vì vậy trúng tuyển vào ngành không phù hợp với nguyện vọng xét điểm thi THPT.

Nhận xét về vấn đề này, PGS-TS Bùi Hoài Thắng, Trưởng Phòng Đào tạo Trường ĐH Bách khoa - ĐHQG TP HCM, cho rằng thí sinh đã trúng tuyển nhưng muốn tìm cơ hội mới ở đợt xét tuyển bổ sung cần hết sức thận trọng và tỉnh táo, tránh trường hợp từ bỏ cơ hội đã trúng tuyển nhưng không trúng tuyển ở đợt xét tuyển bổ sung.

Theo ông Thắng, nếu thí sinh đã trúng tuyển nhưng muốn thi lại vào năm sau để vào ngành/trường ưng ý hơn thì cũng nên nhập học. Bởi lẽ, năm đầu các trường chỉ đào tạo những môn đại cương, nếu sang năm thí sinh trúng tuyển thì vẫn có thể chuyển điểm. Việc này sẽ tránh được sự lãng phí thời gian 1 năm chờ thi lại.

Đã xác nhận nhập học thì không được xét bổ sung
Theo quy định của Bộ GD-ĐT, thí sinh trúng tuyển phải hoàn tất việc xác nhận nhập học trực tuyến trên hệ thống của bộ chậm nhất là 17 giờ ngày 27-8; nếu không thì coi như từ bỏ cơ hội trúng tuyển. Các trường không được kết thúc nhập học trước thời điểm này.
Thí sinh đã thực hiện việc xác nhận nhập học trên hệ thống của Bộ GD-ĐT thì không được tham gia xét tuyển bổ sung.

Theo www.24h.com.vn
https://www.24h.com.vn/giao-duc-du-hoc/than-trong-tinh-tao-voi-xet-tuyen-bo-sung-c216a1596909.html
Copy Link
https://www.24h.com.vn/giao-duc-du-hoc/than-trong-tinh-tao-voi-xet-tuyen-bo-sung-c216a1596909.html
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Thận trọng, tỉnh táo với xét tuyển bổ sung