“Than được mua ở cảng Novorossiisk (cảng Biển Đen của Nga, trung tâm vận chuyển dầu và các hàng hóa khác). Và những gì xảy ra tiếp theo có thể coi là hoạt động kinh doanh của khách hàng”, ông Karashchuk cho biết.
Bộ Thương mại và Tổng cục Hải quan Thổ Nhĩ Kỳ không trả lời yêu cầu bình luận về các lô hàng trên.
Biện pháp trừng phạt
EU ngừng nhập khẩu than Nga. Ảnh: AP
Không giống như Mỹ và Liên minh châu Âu (EU), Thổ Nhĩ Kỳ không áp đặt hạn chế thương mại với Nga hoặc các vùng lãnh thổ ở Ukraine do Moskva kiểm soát. Washington cũng đã cảnh báo các công ty không giúp Nga tiến hành cuộc chiến ở Ukraine hoặc lách lệnh trừng phạt.
Kể từ khi Moskva phát động chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine hồi tháng 2/2022, Thổ Nhĩ Kỳ - thành viên NATO - đã nhiều lần tuyên bố sẵn sàng hòa giải xung đột Nga - Ukraine. Ankara cũng đóng vai trò quan trọng khi làm trung gian hòa giải cho thỏa thuận giữa Moskva và Kiev, cho phép Ukraine xuất khẩu ngũ cốc qua Biển Đen. Thoả thuận này hiện đã hết hiệu lực.
Hồi tháng 11/2022, ông Vitaliy Khotsenko, người đứng đầu Cộng hòa Donetsk tự xưng (DNR) do Nga bổ nhiệm, nói rằng khu vực này đã xuất khẩu than sang Thổ Nhĩ Kỳ, từ đó than sẽ đến các thị trường ở Trung Đông và châu Phi.
Tuy nhiên, Reuters không thể tìm thấy bất kỳ thông tin nào trong dữ liệu hải quan về hoạt động vận chuyển than sản xuất tại Donetsk đến Thổ Nhĩ Kỳ hoặc các quốc gia khác vào năm 2022.
Chính quyền do Nga bổ nhiệm ở khu vực Donetsk và Luhansk, và Chính phủ Ukraine không bình luận về hoạt động xuất khẩu than do Reuters báo cáo.
Bộ Năng lượng Nga không trả lời yêu cầu bình luận về vấn đề trên. Cơ quan Hải quan Liên bang Nga cho biết họ đã ngừng công bố số liệu thống kê ngoại thương từ tháng 2/2022.
Mặc dù các dữ liệu thương mại trên không đưa ra bức tranh hoàn chỉnh về phương thức xuất khẩu than, nhưng dữ liệu chỉ ra một số lô hàng đã đi qua thành phố cảng Rostov, phía nam nước Nga và một số đi qua cảng Novorossiisk ở Biển Đen. Cả hai cảng này đều có kết nối đường sắt đến Donetsk và Luhansk. Tuy nhiên, Reuters không thể xác định liệu một phần, hay toàn bộ lô hàng đó có được tái xuất khẩu sang Thổ Nhĩ Kỳ hay không.
Các lệnh trừng phạt do Mỹ áp đặt vào ngày 21/2/2022, ba ngày trước khi Nga triển khai chiến dịch quân sự tại Ukraine, đã cấm nhập khẩu hoặc xuất khẩu sang Donetsk và Luhansk. Hai ngày sau, EU cũng công bố các biện pháp tương tự, bao gồm lệnh cấm nhập khẩu hàng hóa từ hai khu vực này.
Song Thổ Nhĩ Kỳ không tuân theo áp đặt những hạn chế này. Mỹ đã áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với các công ty, bao gồm cả từ Thổ Nhĩ Kỳ, mà họ cho rằng đang hỗ trợ Moskva trong cuộc chiến ở Ukraine.
Khi được yêu cầu bình luận về các chuyến hàng đến Thổ Nhĩ Kỳ, người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết: “Chúng tôi đã nắm được các báo cáo về những giao dịch tương tự, nhưng chúng tôi không thể bình luận về những phát hiện cụ thể này”.
Ủy ban châu Âu từ chối bình luận về vấn đề trên.
Sau các cuộc trưng cầu dân ý, Nga đã tuyên bố sáp nhập khu vực Donetsk và Luhansk ở miền đông Ukraine vào tháng 9/2022. Ukraine, các đồng minh phương Tây và Thổ Nhĩ Kỳ, đã không công nhận kết quả của các cuộc trưng cầu dân ý này và coi việc sáp nhập là bất hợp pháp.