Chúng ta nói đến việc quy hoạch và định hướng và nhiệm vụ chiến lược của ngành thì tất yếu phải có sự đánh giá tổng thể. Từ đó có những đánh giá, nhận xét trúng và đúng, làm căn cứ để báo cáo trình Chính phủ tháo gỡ vướng mắc, khó khăn nếu có”- Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn nhấn mạnh.
Một đại biểu đến từ Trường ĐH Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình nêu kiến nghị tại hội nghị. |
Chia sẻ về một vài ý kiến cho rằng kiểm định chất lượng để làm gì, trong khi chỉ tiêu vẫn phải lệ thuộc Bộ GD&ĐT, Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn cho biết: Bộ GD&ĐT không ép buộc, không đưa ra tiêu chí này để làm căn cứ giao chỉ tiêu cho các trường, mà đây là xu hướng của sự phát triển chung. Các trường, nhất là các cán bộ quản lý cần phải thấy và nhận thức rõ điều này.
Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn cho rằng trong bối cảnh hiện nay, chất lượng phải được xác định là vấn đề sống còn của các trường. Việc kiểm định bảo đảm chất lượng là vấn đề tự thân. Khi có quy trình đảm bảo chất lượng tốt thì sự tin tưởng của phụ huynh và học sinh, xã hội sẽ gia tăng.
“Tự thân các trường phải tự cải tiến, làm tốt công tác kiểm định chất lượng thì năng lực quản trị nhà trường, đào tạo, sẽ tăng lên rất nhiều. Đây là việc cần thiết phải làm, nhất thiết phải làm, tốn kém cũng phải làm, chứ đừng nghĩ Bộ GD&ĐT đưa ra làm rào cản, gây khó khăn cho các trường. Đây cũng chính là cam kết gián tiếp của các trường trong việc đào tạo gắn với nhu cầu xã hội”- Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn nhấn mạnh.
Về vấn đề đào tạo nâng chuẩn, liên thông, vừa làm vừa học, Thứ trưởng ghi nhận và sắp tới sẽ có điều chỉnh theo hướng gia tăng thêm chỉ tiêu cho các trường.
Các đại biểu tham dự hội nghị lắng nghe các tham luận được trình bày tại hội nghị. |
Nghị định 116 đang có khó khăn, vướng mắc thật sự
Trao đổi về vấn đề nóng nhất tại hội nghị là chính sách hỗ trợ cho sinh viên sư phạm theo Nghị định 116, Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn thừa nhận Nghị định 116 đúng là có những điểm khó khăn, Bộ GD&ĐT thấy và nhận thức rất rõ vấn đề này. Bộ GD&ĐT sẽ đề nghị Chính phủ sửa đổi nghị định này.
Theo thứ Hoàng Minh Sơn, những điểm mới của Nghị định 116 là ý tưởng rất tốt (đào tạo theo nhu cầu, đặt hàng, giao nhiệm vụ) nhưng thực tiễn của ngành giáo dục là rất khác.
“Thực tiễn là thước đo sự thành công của cơ chế, chính sách. Thực tiễn có vấn đề chúng ta cần phải xem xét lại. Vấn đề trước mắt hiện nay chính là vướng mắc ở địa phương. Thầy cô giáo cần cố gắng tham mưu với sở, ngành, UBND địa phương, nếu có khó khăn thì báo cáo Thủ tướng, bổ sung ngân sách.
Nghị định đã ban hành thì phải thực thi, sinh viên vào học rồi thì phải có tiền. Nhu cầu thực tế (giáo viên) là rất lớn nhưng Bộ GD&ĐT không dám giao chỉ tiêu. Địa phương không xác định nhu cầu, không đặt hàng thì làm sao Bộ GD&ĐT giao?”- Thứ trưởng nói.
Chia sẻ thêm về những khó khăn trong việc giải ngân cho sinh viên sư phạm theo Nghị định 116 của Chính phủ, TS Phạm Như Nghệ, Phó vụ trưởng Vụ GDĐH cho biết chính là do các địa phương không cam kết chi trả. Địa phương không cam kết thì không thể căn cứ vào đâu để giao chỉ tiêu đào tạo. Các trường nói có nhu cầu tuyển dụng giáo viên nhưng tỉnh lại không chịu và cam kết chi trả thì đơn vị đào tạo lấy đâu ra tiền chi cho sinh viên.
Báo cáo của Vụ GDĐH về hoạt động tuyển sinh khối ngành mầm non của các trường cho thấy một phần nguyên nhân của việc "tắc" triển khai chính sách theo Nghị định 116. Theo TS Phạm Như Nghệ, Phó vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học, công tác tuyển sinh của các trường cao đẳng đào tạo giáo viên mầm non có sụt giảm.
Nếu như năm 2020 chỉ tiêu của 23 trường cao đẳng sư phạm, 18 trường cao đẳng đa ngành và 19 trường đại học có đào tạo mầm non chỉ tiêu tuyển là 15.273 chỉ tiêu, số nhập học là 7.731 sinh viên, thì đến năm 2021, tổng chỉ tiêu đào tạo giáo viên mầm non giảm còn 14.715 sinh viên, số sinh viên nhập học 7.325 em.
Đặc biệt số sinh viên nhập học tại các trường ĐH có đào tạo trình độ cao đẳng ngành giáo dục mầm non so với tổng chỉ tiêu giảm mạnh. Đơn cử như năm 2022, Trường ĐH Hồng Đức chỉ tiêu là 196 nhưng số sinh viên nhập học chỉ 52, Trường ĐH Hạ Long chỉ tiêu 90, số sinh viên nhập học 13, Trường ĐH Đồng Tháp chỉ tiêu 129, nhập học 32…