Trường tiểu học Hoàng Văn Thụ, thành phố Lào Cai vừa tổ chức chuyên đề Giáo dục lòng biết ơn cho hơn 1.200 học sinh. Tại đây, các em đã được nghe giáo viên chia sẻ câu chuyện đầy nhân văn, ý nghĩa về tình mẫu tử: “Đôi mắt của mẹ”.
Qua câu chuyện, cô Ngô Thị Quỳnh Nga, giáo viên chủ nhiệm lớp 5A1 đã khiến học sinh rơi nước mắt khi chia sẻ về công ơn sinh thành dưỡng dục. Cùng với đó là những vất vả, hi sinh của người mẹ phải chịu đựng để mang lại hạnh phúc, bình yên cho những người con. Đồng thời, cô cũng chỉ ra những hành vi vô tâm, thờ ơ, khiến mẹ buồn lòng của giới trẻ hiện nay, đặc biệt là với lứa tuổi học sinh tiểu học.
Những chia sẻ ấy của cô Nga khiến mỗi học sinh tham gia trong chuyên đề đều thấy có "bóng dáng" của mình trong đó. Trên gương mặt thơ ngây của học trò, những giọt nước mắt từ sự ân hận, lòng biết ơn, tình yêu thương kính trọng đã không ngừng rơi. Cả sân trường lặng yên, không một tiếng nói chuyện, đùa nghịch, chỉ còn lại tiếng nức nở như được trút ra từ trái tim của những học sinh “tử tế”.
Cô Nguyễn Thị Lan Anh, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: "Lòng biết ơn là một cụm từ lâu nay chúng ta vẫn luôn nhắc tới. Mỗi người Việt đều coi đó là nét đẹp truyền thống, nét văn hóa của dân tộc. Chính vì thế, nhà trường luôn đề cao giáo dục lòng biết ơn - một giá trị nhân văn sâu sắc như là tấm lòng giữa con người với con người".
Tiết học giáo dục kỹ năng sống của Trường Tiểu học Hoàng Văn Thụ. |
Trên nền nhạc xúc động, học trò vừa viết cảm xúc, trang trí bưu thiếp tặng mẹ, vừa khóc. Cô Nguyễn Thị Lan Anh cùng những giáo viên chủ nhiệm đã đến bên các em, dang rộng vòng tay. Giáo viên ôm các em vào lòng thể hiện tình yêu thương, xoa dịu những cảm xúc và động viên học sinh hãy biến lòng biết ơn trở thành những hành động thiết thực nhất.
Cuối buổi sinh hoạt, toàn trường được nghe hai bài chia sẻ cảm xúc của em Phạm Thùy Linh, lớp 5A1 và Dương Quỳnh Hương, lớp 3A1.
“Trong bài chia sẻ, các em cho biết mình đã không còn mẹ từ khi lên 2, 3 tuổi. Mẹ qua đời từ sớm, các em khát một vòng tay ôm chặt, thèm tiếng ru và những bữa ăn ngon do chính tay mẹ nấu... Các em cũng biết ơn những người mẹ hiện tại của mình, đã thay cho người mẹ xấu số yêu quý, chăm sóc, giáo dục các em nên người” – cô Ngô Thị Quỳnh Nga xúc động.
Theo cô Nga, chuyên đề Giáo dục lòng biết ơn đã thực sự là một buổi nói chuyện có nhiều ý nghĩa, nhân văn, chạm đến trái tim của tất cả mọi người.
Sau khi thông tin về chương trình lan tỏa trực tiếp, truyền thông trên các trang mạng xã hội, nhà trường đã nhận được sự đồng tình, lời khen và mong muốn có nhiều hơn những chương trình hay, ý nghĩa như vậy từ phía cha mẹ học sinh và cộng đồng.
“Giáo dục lòng biết ơn là một hình thức giáo dục sâu sắc về hình thành, bồi dưỡng nhân cách tốt đẹp cho học sinh. Trong năm học này, nhà trường sẽ có thêm nhiều chương trình hay như vậy để giáo dục học sinh với phương châm: “Trước khi là một học sinh xuất sắc, học sinh Trường Tiểu học Hoàng Văn Thụ sẽ là một học sinh tử tế”, Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ.
Mới đây, trong đêm nhạc “Khát vọng người thầy” kỷ niệm 40 năm Ngày nhà giáo Việt Nam được thành phố Lào Cai tổ chức, cô Ngô Thị Quỳnh Nga đã được thuyết trình về câu chuyện: “Hãy xỏ chân vào đôi giày của học trò”.
Trong bài thuyết trình của mình, cô Nga chia sẻ: Cô ra trường năm 2.000 và bắt đầu sự nghiệp “trồng người” từ đó. Trước đây, đồng nghiệp, phụ huynh và học sinh thường nhận xét cô là một giáo viên vững vàng về chuyên môn nhưng quá nghiêm khắc. Chính vì thế, không có học trò yêu quý cô, phụ huynh cũng không chia sẻ với cô những điều về con em mình.
Cô Ngô Thị Quỳnh Nga (áo đen đứng giữa) hạnh phúc bên học sinh. |
“Tôi thường chê bai những học trò mắc lỗi, nhắc nhở học sinh và “phốt tội” của chúng ngay trước mặt bạn bè! Tất cả mọi hành vi của học sinh, tôi đều đứng trên đôi giầy của một nhà giáo để phán xét. Khi học sinh nói chuyện, tôi chỉ thấy chúng hư và không biết nghe lời”, cô Nga chia sẻ.
Cô Nga tiếp lời: “Tôi đã như vậy trong một thời gian dài và vẫn luôn cho rằng mình đang làm đúng nếu như không có những câu chuyện xúc động xảy ra trong sự nghiệp trồng người của mình”.
Câu chuyện đầu tiên của cô Nga là về cậu học trò Phạm Anh Quân (đang học lớp 7) trong mùa dịch Covid-19. Đầu giờ chiều nào cũng vậy, cô đều thấy em ngồi bệt xuống cầu thang đầu lớp, khi thì gục mặt xuống đùi, khi thì nhìn xa xăm vào một khoảng không vô định.
Ngày đầu tiên nhìn thấy, cô đã quát: "Con không biết thế nào là bẩn sao? Sao lại ngồi bệt xuống cầu thang vậy? Đứng dậy, phủi sạch quần, nếu buồn ngủ thì đi rửa mặt, rồi vào lớp ngay!".
Thế nhưng, hôm sau và nhiều hôm sau nữa, cậu học trò nhỏ vẫn ngồi như vậy, bỏ ngoài tai những lời quát mắng của cô giáo. Tò mò, cô Nga bắt đầu quan sát kĩ hơn. Em gục mặt nhưng rõ ràng là không buồn ngủ. Em nhìn xa xăm như đang mong đợi một điều gì đó.
Cô Nga nói: “Thấy vậy, tôi ngồi cạnh em và hỏi em đang nghĩ gì? Em òa khóc và đề nghị: Con nhớ mẹ con quá, cô có thể ôm con được không? Gần hai năm nay con không gặp mẹ. Mẹ con lấy dượng người Trung Quốc, dịch Covid-19 ập đến, mẹ mắc kẹt lại đó, không về thăm con được. Thương con, tôi cũng ngồi bệt xuống bậc cầu thang, ôm con thật chặt và tôi đã khóc”.
Và câu chuyện đặc biệt về em Đào Kim Bảo Trân, lớp 5A1. Trân là cô học trò bướng bỉnh, tinh nghịch, thường hay tự ý làm những điều mình thích. Đó cũng chính là nút thắt để cô Nga tháo bỏ “đôi giày” của mình.
"Một buổi, dù đã hết giờ học, Trân vẫn cứ ở mãi trong phòng zoom, không chịu thoát ra. Rồi em lặng lẽ khóc. Tôi động viên em bật micro để trò chuyện. Em ấy mới kể: “Chị gái - người mà yêu thương em nhất chuẩn bị đi học đại học. Ở nhà mẹ bận nên chị thường thay mẹ chăm sóc”. Tôi đã động viên để em bớt buồn và ngay sau đó tôi muốn tìm hiểu về em”, cô Nga nói.
Qua cuộc điện thoại ngắn với mẹ em Trân, cô Nga biết Trân gặp khó khăn về ngôn ngữ, hay cười một mình, làm điều mình thích và hét toáng lên để gây sự chú ý của mọi người.
“Tôi chết lặng qua từng lời kể của mẹ em. Thì ra lâu nay mình quá vô tâm, chỉ nhìn thấy sai phạm của học trò mà cảm thấy chúng đáng chê trách. Tôi chưa thể nhìn ra đằng sau những nét vẽ nguệch ngoạc ấy, tiếng hét ấy, giọng đọc ngắc ngứ ấy là cả một khát khao: Con muốn được quan tâm nhiều hơn, yêu thương nhiều hơn, con muốn được tôn trọng sự khác biệt và được chấp nhận” – cô Nga nói.
Trường Tiểu học Hoàng Văn Thụ luôn hướng đến xây dựng trường học an toàn. |
Chính vì thế, cô Nga quyết định thay đổi. Cô đặt mình vào vị trí học trò, luôn dành thời gian lắng nghe tâm sự của học trò. Khi các em mắc lỗi, cô luôn gặp riêng để trao đổi, phân tích tường tận. Trước mỗi biểu hiện tiến bộ của học trò, cô Nga luôn kịp thời ghi nhận và khích lệ. Từ đó, học sinh đã yêu thương, tin tưởng, quý trọng và nghe lời cô.
Cứ như vậy, các giờ học của cô Nga trôi qua trong nhẹ nhàng, hạnh phúc. Học trò tiến bộ nhiều và đặc biệt mối quan hệ của cô giáo với học trò và phụ huynh thêm gần gũi và thân thiện.
“Nhiều cha mẹ đã viết cho tôi những bức thư tay đẫm nước mắt để cảm ơn cô. Có những phụ huynh xin được gặp tôi để tư vấn về tâm lý con mình và cách giáo dục chúng. Khoảng cách của cô và trò ngày càng được xích lại gần hơn. Chất lượng dạy học và giáo dục vì thế cũng được nâng cao. Trước những thay đổi ấy, tôi thật sự hạnh phúc. Tôi cảm thấy biết ơn học trò của mình vì chính chúng đã dạy cho tôi biết rằng: Hãy đừng chỉ là những người thợ dạy mà hãy là những nhà giáo dục”, cô Nga chia sẻ.