Sau bế giảng, 7 HS lớp 12 dân tộc Cơ tu Trường THPT Phạm Phú Thứ (Đà Nẵng) vẫn ở lại nội trú. Nhà bếp vẫn đỏ lửa phục vụ HS những ngày ôn thi nước rút.
Bắt đầu từ cuối tháng 5, học sinh khối 12 Trường THPT Phạm Phú Thứ bước vào giai đoạn ôn thi nước rút. Năm nay, nhà trường tiếp tục duy trì tổ chức ôn tập trong tháng 6 cho toàn bộ học sinh khối 12 nên những học sinh nội trú sẽ cùng tham gia ôn tập chung với các bạn theo các lớp đăng ký trước đó. Trong giờ tự học, nếu có thắc mắc gì, học sinh sẽ chủ động liên lạc với thầy cô giáo bộ môn để được hỗ trợ, giải đáp kịp thời.
Đậu Thị Ngọc Hạnh, trú ở thôn Phú Túc (xã Hòa Phú, huyện Hòa Vang, TP Đà Nẵng) học sinh lớp 12/11, Trường THPT Phạm Phú Thứ chia sẻ: “Thầy cô đều biết em và các bạn nội trú đều không có xe cộ để có thể tham gia các lớp học thêm ở ngoài.
Vì vậy, trong các tiết học, thầy cô đều gọi chúng em tham gia phát biểu để kiểm tra mức độ hiểu bài của học sinh. Chúng em cũng thường xuyên được thầy cô nhắn tin hỏi có cần thêm tài liệu gì không? Rồi dặn chỗ nào không hiểu, câu nào làm không được thì cứ nhắn tin qua zalo hỏi thầy cô nghe… Các bài giải đề của em gửi cho thầy cô xem cũng đều được sửa chi tiết ở các câu trả lời sai”.
Cô giáo Phạm Thị Duyên, giáo viên Địa lý, Trường THPT Phạm Phú Thứ hướng dẫn học sinh giải đề tham khảo. |
Ngoài học ôn theo thời khóa biểu tại trường, Ngọc Hạnh còn mua gói ôn thi trực tuyến với mức học phí 1,5 triệu đồng/khóa học trong một năm. “Nhưng dù ôn tập theo các bài dạy trực tuyến thì em vẫn rất cần có sự hỗ trợ của thầy cô giáo bộ môn.
Các bài giảng trực tuyến được thu sẵn dưới dạng video, không có sự tương tác với giáo viên dạy trực tuyến nên có nhiều khi dù tua đi tua lại để nghe nhưng có nhiều nội dung kiến thức em vẫn không hiểu được. Phần nào không hiểu, em sẽ tranh thủ giờ ra chơi để nhờ thầy cô giảng lại” – Hạnh kể.
Nguyễn Thị Thanh Châu, lớp 12/11 kể: “Ngay từ đầu năm học, với 3 môn bắt buộc phải dự thi của kỳ thi tốt nghiệp THPT là Toán, Anh văn và Ngữ văn, em tranh thủ tập trung lắng nghe thầy cô giảng bài trên lớp. Với các môn xét tuyển đại học, em dành nhiều thời gian hơn trong các giờ tự học tại khu nội trú. Những chỗ nào chưa hiểu, em đều ghi chú lại, tranh thủ những buổi học phụ đạo do nhà trường tổ chức, em sẽ nhờ thầy cô giải thích thêm”.
Với rất nhiều nỗ lực của bản thân cùng sự hỗ trợ của thầy cô giáo, Nguyễn Thị Thanh Châu đã đạt giải Nhì trong Kỳ thi học sinh giỏi lớp 12 của thành phố Đà Nẵng ở môn Địa lý. “Đây là sự khích lệ rất lớn để em tiếp tục phấn đấu nhằm đạt được mục tiêu trúng tuyển vào đại học Luật như mơ ước” – Châu chia sẻ.
Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024, trong số 429 học sinh đăng ký dự thi của Trường THPT Phạm Phú Thứ có 7 em là đồng bào Cơ tu.
Thầy Võ Trinh, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Đối với học sinh đồng bào Cơ tu, các em ở trong khu nội trú nhà trường; được chăm lo việc ăn uống, sinh hoạt, học tập trong điều kiện tốt nhất. Nhà trường tổ chức phụ đạo miễn phí tất cả môn đăng kí thi tốt nghiệp đối với những em này. Ban giám hiệu cũng lưu ý với các giáo viên đứng lớp cần có sự hỗ trợ về phương tiện học tập như cung cấp các đề thi tham khảo, hỗ trợ giải đáp những thắc mắc của các em trong quá trình học tập”.
Hết giờ học buổi sáng theo thời khóa biểu ôn thi tốt nghiệp, Đậu Thị Ngọc Hạnh, cùng 6 bạn học khác trở về khu nội trú nằm ngay trong khuôn viên của nhà trường. Cô Trần Thị Trước, nhân viên khu nội trú, đã chuẩn bị xong bữa ăn trưa cho các em. Dù chỉ còn các em lớp 12 ở lại nội trú để ôn thi vào tháng cuối, Trường THPT Phạm Phú Thứ vẫn duy trì bếp ăn chứ không đặt suất ăn ở ngoài để đảm bảo sức khỏe cho học sinh.
Thầy Võ Trinh, Hiệu trưởng Trường THPT Phạm Phú Thứ thăm hỏi học sinh Cơ tu trong giờ tự học tại khu nội trú. |
Từ đầu năm đến nay, mỗi tháng, từ nguồn vận động của nhà trường, 11 học sinh người Cơ tu được hỗ trợ thêm từ 100 – 150kg gạo. Thầy Võ Trinh, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Số gạo này, nhà trường giữ lại để nấu cơm cho học sinh nội trú. Phần tiền gạo theo chế độ nhà nước hỗ trợ thì bổ sung vào để mua thêm thực phẩm tươi như thịt, cá… để cải thiện dinh dưỡng cho các em. Thầy cô luôn nhắc học sinh cần phản hồi chất lượng bữa ăn để nhà bếp điều chỉnh. Mục tiêu của chúng tôi là các em phải được ăn ngon, ăn no, đảm bảo sức khỏe để học tập”.
Trong số 7 học sinh người Cơ tu dự thi tốt nghiệp THPT năm 2024, thầy Trinh cho biết có một học sinh khuyết tật. “Nhà trường đã đối chiếu các quy định thì em này không đủ điều kiện để đặc cách tốt nghiệp. Vì vậy, ban giám hiệu và thầy cô giáo bộ môn chú trọng tư vấn tâm lý, động viên em trong quá trình ôn thi. Thầy cô đều khoanh vùng các nội dung kiến thức cần đạt phù hợp với mức độ tiếp nhận của em để tránh áp lực dẫn đến em có tâm lý chán nản” – thầy Trinh thông tin.
Khi kết thúc chương trình phụ đạo, học sinh đồng bào Cơ tu được trở về nhà nghỉ ngơi, tự ôn tập một tuần sát ngày thi. Sau đó, các em trở lại khu Nội trú trước ngày học quy chế thi. Để tạo thuận lợi cho thí sinh không phải di chuyển xa, toàn bộ học sinh lớp 12 Trường THPT Phạm Phú Thứ sẽ được dự thi ngay tại trường.