Thầy cô quyết trụ lại vùng khó dạy trò

08/10/2023, 13:10
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Nhiều thầy, cô giáo tỉnh Quảng Trị đã tình nguyện đến các trường học vùng khó khăn, miền núi công tác...

Thầy Tuấn kết nối các nhà hảo tâm để tặng máy tính cho học sinh. ảnh 2
Thầy Tuấn kết nối các nhà hảo tâm để tặng máy tính cho học sinh.

Kết nối yêu thương

Mặc dù đã hoàn thành nhiệm vụ luân chuyển nhưng năm học 2023 - 2024, thầy Võ Văn Tuấn - giáo viên bộ môn Vật lý, Trường THPT Vĩnh Định, huyện Triệu Phong tiếp tục có đơn tình nguyện ở lại dạy học tại Trường THPT A Túc, huyện Hướng Hóa.

Đóng trên địa bàn miền núi, điều kiện còn nhiều khó khăn nên với học trò Vân Kiều nơi đây, thầy Tuấn luôn gần gũi, ân cần. Thấu hiểu sự khó khăn, vất vả của học trò, đầu năm học 2022 - 2023, khi mới chuyển đến Trường THPT A Túc dạy học, thầy Võ Văn Tuấn đã kết nối nhiều cá nhân, tổ chức hảo tâm để trao tặng học bổng, dụng cụ học tập, máy tính cho các em.

Thầy Tuấn chia sẻ: “Với mong muốn đóng góp một phần sức nhỏ của mình để các em có động lực vươn lên trong học tập và cuộc sống nên tôi kêu gọi người quen, bạn bè nhờ hỗ trợ. Mỗi người chỉ cần cho đi một ít nhưng giúp đỡ đúng người sẽ có thể thay đổi một cuộc đời, số phận”. Có lẽ, đây cũng là lý do khiến thầy luôn trăn trở và tình nguyện ở lại mảnh đất vùng cao để dạy học.

Thầy Nguyễn Tửu - Hiệu trưởng Trường THPT A Túc (huyện Hướng Hóa) cho biết, năm học vừa qua, nhờ xác định mục tiêu cụ thể, cùng với việc ban hành kế hoạch giáo dục và chương trình dạy học hợp lý, trên cơ sở phát huy thế mạnh của giáo viên và học sinh, nên chất lượng học tập được nâng cao. Kết quả thi tốt nghiệp THPT của học sinh nhà trường được cải thiện rõ rệt. Thành công ấy có sự đóng góp của tập thể cán bộ, giáo viên, nhân viên, trong đó không thể thiếu những thầy cô giáo được luân chuyển đến.

“Ngoài làm tốt nhiệm vụ chuyên môn, giảng dạy, thấu hiểu điều kiện học tập còn thiếu thốn của học sinh nơi đây, các thầy đã kêu gọi, vận động các nhà hảo tâm để hỗ trợ các em có đủ dụng cụ học tập”, thầy Tửu chia sẻ.

Theo TS Lê Thị Hương - Giám đốc Sở GD&ĐT Quảng Trị, bước vào năm học 2023 - 2024, ngành Giáo dục và Đào tạo đã chuẩn bị các điều kiện để triển khai chương trình giáo dục, trong đó, tập trung cho Chương trình GDPT năm 2018. Bên cạnh điều kiện cơ sở vất, nhu cầu của của học sinh, phụ huynh thì việc đáp ứng về đội ngũ rất quan trọng.

Năm học 2023 - 2024, 20 nhà giáo được điều động luân phiên hầu hết đều viết đơn tình nguyện đến vùng khó khăn công tác. Đặc biệt, ngành Giáo dục rất vui khi 6 thầy, cô giáo sau khi hết thời hạn luân phiên, đã tình nguyện ở lại công tác lâu dài tại đơn vị đến để chia sẻ khó khăn của ngành.

“Những thầy, cô giáo tham gia dạy học vùng cao đều hết lòng với nghề, thương yêu học sinh. Điều đó cũng thể hiện tấm lòng, tình cảm của thầy cô với tinh thần “Tất cả vì học sinh thân yêu”, vì sự phát triển của ngành, đặc biệt với nhiệm vụ triển khai Chương trình GDPT 2018”, TS Lê Thị Hương cho hay.

Từ năm học 2022 - 2023, Sở GD&ĐT Quảng Trị có hướng dẫn xét khen thưởng cho giáo viên làm nhiệm vụ điều động luân phiên hằng năm. Qua đó, những giáo viên luân chuyển dạy học vùng khó nếu đủ tiêu chí, ngoài hưởng các chế độ chính sách theo quy định hiện hành sẽ được Giám đốc Sở GD&ĐT khen thưởng. Bên cạnh đó, những thầy, cô giáo điều động luân phiên được tích lũy thành tích để thuận lợi trong công tác thi đua khen thưởng, xét nâng lương trước thời hạn.

Theo giaoducthoidai.vn
https://giaoducthoidai.vn/thay-co-quyet-tru-lai-vung-kho-day-tro-post656774.html
Copy Link
https://giaoducthoidai.vn/thay-co-quyet-tru-lai-vung-kho-day-tro-post656774.html
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Thầy cô quyết trụ lại vùng khó dạy trò