Chia sẻ về mô hình nuôi ăn ở cho phụ huynh như cách làm của Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học – THCS Trà Nam, ông Võ Đăng Thuận nhìn nhận, mô hình phù hợp với huyện có địa hình giao thông đi lại cách trở mà không phải duy trì điểm trường thôn. Cách làm này vừa góp phần nâng dần chất lượng giáo dục miền núi, đồng thời hướng dẫn nhiều kiến thức, kỹ năng sống, cách phòng bệnh… cho phụ huynh học sinh.
Không chỉ ở địa bàn vùng khó, với vùng thuận lợi, xã hội hóa nhận thức thành công sẽ góp phần xã hội hóa nguồn lực đóng góp. Như Trường Tiểu học Bạch Đằng (quận Hải Châu, TP Đà Nẵng), trong giai đoạn triển khai thí điểm mô hình Trường học mới, để trang trí lớp học, Ban Giám hiệu gửi thông điệp đến phụ huynh về việc cần sơn tường phòng học.
Tùy theo điều kiện, phụ huynh có thể ủng hộ sơn, dụng cụ hoặc đóng góp ngày công. Thầy Trần Tám, khi đó là Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ: “Nhiều phụ huynh rất vui khi đến trường tham gia quét sơn lại phòng học cho con em. Sự đóng góp ấy với nhà trường rất giá trị bởi cha mẹ học sinh làm việc với cả tâm huyết nên rất trách nhiệm, tỉ mỉ và cẩn thận”.
Với giàn điện năng lượng Mặt trời do cá nhân hỗ trợ, điểm trường Lăng Lương (Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học Trà Tập, Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam) có thể dùng máy tính, tivi để hỗ trợ dạy học, có điện thắp sáng. |
Để phát triển giáo dục đòi hỏi sự chung tay từ cha mẹ học sinh. Nhấn mạnh điều này, cô Nguyễn Thị Phương Thảo - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Trần Phú (TP Quảng Ngãi, tỉnh Quảng Ngãi) đồng thời cho rằng, tài trợ giáo dục góp phần xây dựng cơ sở vật chất trường, lớp học khang trang, hiện đại, đáp ứng yêu cầu phát triển giáo dục toàn diện.
Song, mức độ và cách vận động tài trợ phải phù hợp. Chẳng hạn, những năm qua, để đáp ứng yêu cầu dạy và học của Chương trình GDPT mới, các trường vận động phụ huynh đóng góp mua tivi là đúng, nhưng chỉ nên vận động duy nhất năm lớp 1. Tránh trường hợp vận động phụ huynh đóng góp nhiều lần/khóa học.
Từ năm học 2022 - 2023, CLB Bạn thương nhau (TP Đà Nẵng) triển khai Dự án “Đi học trên núi”. Đây là chương trình hỗ trợ trẻ mồ côi, đặc biệt khó khăn vùng núi, giúp kéo dài việc học, không bỏ học giữa chừng. Sang năm học 2023 - 2024, CLB có thêm dự án hỗ trợ thầy cô giáo cắm bản đang dạy theo diện hợp đồng với mức hỗ trợ 1 triệu đồng/tháng. Kinh phí cho 2 chương trình này vào 170 triệu đồng/tháng, từ nguồn đóng góp của nhiều cá nhân.
Anh Nguyễn Bình Nam cho biết: Dự án “Đi học trên núi” hoạt động nhờ vào sự điều phối của thành viên CLB đang sống và làm việc tại TP Đà Nẵng. Dự án được vận hành với sự hỗ trợ của mạng lưới thầy cô các trường học. Hằng tháng, thầy cô nhận tiền từ dự án và mua sắm quần áo, sách vở, vật dụng cần thiết, nhu yếu phẩm… trợ lực cho các em và gia đình.
Chương trình “Bữa cơm miền núi” cũng được thực hiện với sự hỗ trợ của thầy cô đứng lớp ở điểm trường thôn”. Ngoài công khai chi tiết khoản hỗ trợ thì thầy cô cùng tham gia vận hành như bên thứ ba, góp phần minh bạch hoạt động của quỹ.
Từ thực tế nhà trường, cô Ông Thị Thái Hằng – Hiệu trưởng Trường Tiểu học Trần Văn Ơn (quận Hải Châu, TP Đà Nẵng) chia sẻ, cán bộ quản lý các trường học luôn mong muốn cải thiện điều kiện cơ sở vật chất để nâng cao chất lượng dạy học.
“Tuy nhiên, mỗi trường có cách làm khác nhau, dù hiệu trưởng không tư lợi cá nhân từ hoạt động xã hội hóa giáo dục nhưng nhìn từ ngoài vào thì thấy không đúng. Cái nhìn của xã hội với chủ trương xã hội hóa có nhiều quan điểm mà không phải lúc nào cũng có sự cảm thông, đồng hành từ phía phụ huynh. Cũng như trong xã hội, một bộ phận tham gia đóng góp cho hoạt động từ thiện nhưng vẫn hoài nghi không biết đóng góp đó đến đúng địa chỉ hay không”.
Theo nhận xét của Hiệu trưởng Trường Tiểu học Trần Văn Ơn, Thông tư 16 ban hành năm 2018 của Bộ GD&ĐT về tài trợ giáo dục giúp các trường có cơ sở để làm; làm đúng chứ không còn xã hội hóa chung chung như trước, hay muốn hiểu và vận dụng thế nào cũng được.
Nhà trường có thể “mạnh dạn” trình bày kế hoạch tài trợ giáo dục được cấp trên phê duyệt chứ không tự phát làm mà không có định hướng. Tuy nhiên, ban giám hiệu phải “sát cánh” hỗ trợ giáo viên chủ nhiệm lớp giải thích đến phụ huynh thấu đáo chủ trương; phải nhắc nhở ban đại diện cha mẹ học sinh lớp tuyệt đối không cào bằng đóng góp.
“Một khi đã thông suốt chủ trương, mục đích vận động tài trợ thì phụ huynh sẽ ủng hộ nhiệt tình. Thậm chí, có cá nhân sẵn sàng ủng hộ vài triệu đồng để cùng nhà trường trang bị phương tiện dạy học hiện đại cho học sinh”, cô Thái Hằng trao đổi.
Chia sẻ kinh nghiệm trong huy động tài trợ giáo dục, thầy Lê Quốc Hùng - nguyên Hiệu trưởng Trường THCS Lê Độ (quận Sơn Trà, TP Đà Nẵng) cho biết: Một số đơn vị không giúp phụ huynh hiểu trách nhiệm đối với ngôi trường mà con em họ đang học.
Khi phụ huynh đưa con đến trường, nhà trường có trách nhiệm giáo dục, chăm sóc, nhưng phải làm sao để phụ huynh thấy mình cũng là thành viên để đồng hành.
Nhà trường nếu “xin” phụ huynh đầu tư cái gì thì làm đúng cái đó và có phụ huynh tham gia giám sát. Đặc biệt, trường không được huy động đóng góp cào bằng. Phụ huynh hoặc nhóm phụ huynh tặng hiện vật phải có sổ vàng ghi nhận và chỉ phục vụ cho học sinh.