Cứ mỗi lần bão qua lại lộ ra hàng loạt cây đô thị còn nguyên bao ni lông được bọc bầu rễ. Không ngoại lệ với YAGI. Yêu cầu kỹ thuật về trồng cây là một trong những chủ đề được bàn luận rôm rả trong những ngày qua, song nhìn rộng hơn chính là câu hỏi có nên trồng những loại cây thân lớn trong đô thị.
Trồng cây non hay già?
Đường phố Hà Nội những ngày này đâu đâu cũng có bóng dáng những cây xanh nằm ngang, trốc rễ . Hẳn chưa bao giờ nhiều cây đang xanh tốt đổ xuống một lúc như vậy.
Bên cạnh những cây lâu năm, thậm chí đã trở thành điểm nhận diện của thành phố chỉ YAGI mới có thể làm bật gốc, không ít cây nhỡ mà khi đổ xuống rễ vẫn còn nguyên bầu bọc bằng ni lông, bao dứa, lưới che nắng.
Một số cây khác rễ nông, sợi rễ nhỏ so với tán cây. Một số bức ảnh cho thấy vài cây không có dấu hiệu của rễ, gần như chỉ là một khúc gỗ cắm xuống. Vậy mà cành lá vẫn xanh tươi cho đến khi đổ gục.
Suốt trong những lần cây đổ vì gió bão trước đây, không ít chuyên gia lên tiếng khẳng định việc để nguyên ni lông bọc bầu rễ khi trồng cây xuống là sai (trừ khi đó là chất liệu tự phân hủy).
"Nếu ta không tháo lớp vỏ bọc này sẽ khiến bộ rễ cây không thể phát triển theo thời gian. Cây sẽ khó hút được nước và chất dinh dưỡng trong đất. Việc rễ cây không phát triển được sẽ khiến cây sinh trưởng, phát triển kém, khó có thể đứng vững và dễ ngã đổ mỗi khi có gió lớn", ông Vũ Ngọc Kỷ Văn - Trưởng phòng Kỹ thuật Công ty Công viên Cây xanh TP.HCM - phát biểu trên báo.
Nhưng một lần nữa mạng xã hội vẫn dấy lên tranh cãi quanh vấn đề này. Vài người cho rằng rễ cây thậm chí có thể xuyên qua cả bê tông (!) nên việc chọc thủng bao ni lông quá đơn giản.
Quan sát bằng mắt thường có thể thấy một số cây đổ khi đã khá lớn, rễ gần mặt đất (thường là rễ mới do gốc cây đâm ra để đảm bảo sinh tồn) bung ra nhiều nhưng riêng phần bị bọc ni lông vẫn giữ nguyên trạng.
Những cây đã lớn bị bứng đi trong bầu để trồng ở nơi khác tất nhiên không còn rễ cọc (dân trong nghề gọi là rễ đuôi chuột). Rễ này một khi đã bị cắt thì sẽ không mọc lại. Nhưng cây vẫn sống với điều kiện có đủ đất cho các rễ khác phát triển. Nhưng tất nhiên khả năng chống chọi bão tố không thể bằng cây được trồng từ khi còn non, với rễ cọc phát triển đầy đủ.
Nhiều vấn đề cần lo ngoài bọc rễ cây
Những người ủng hộ trồng cây với để nguyên bọc ni lông cho rằng thế mới là đúng. Ngoài việc thiếu thông tin, không loại trừ có thể họ cố tình tuyên bố sốc để câu view.
Vài năm trước, một chuyên gia Đại học Lâm nghiệp Hà Nội đã nói với Tiền Phong rằng trồng cây trong đô thị phải tính toán kỹ về loại cây, đất đai cho phù hợp, không thể “có đất là trồng”. Bởi Hà Nội hiện nay có quá nhiều công trình ngầm (cáp điện, cáp viễn thông, thoát nước…) cộng thêm việc bê tông hóa vỉa hè khiến rễ cây phát triển kém, dễ đổ ngã khi gặp mưa bão.
Đó cũng là lúc Hà Nội đang thực hiện mục tiêu trồng một triệu cây giai đoạn 2016-2020. Thoạt nhìn một hàng cây mới san sát thấy thật phấn khởi, nhưng quan sát mật độ cây dày đặc trên một dải phân cách lại băn khoăn liệu cây có đủ đất để sinh trưởng. Và liệu bên dưới lớp gạch lát có đất không hay phần nhiều là cát?
Theo tiêu chuẩn chẳng hạn của thành phố Palo Alto (California, Mỹ), các dự án mới phải chừa lại khoảng 10 m 3 cho cây nhỏ, 20 m 3 cho cây vừa và 30 m 3 cho cây lớn. Họ còn thừa nhận “chỗ đất này vẫn quá ít so với môi trường rừng, nhưng đã là khó đạt được trong bối cảnh đô thị”.
TS. KTS Phó Đức Tùng khẳng định trồng theo kiểu khoét lỗ rồi cắm cây xuống đất là phi khoa học, phải trồng cây bằng giá thể có những mao mạch cung cấp nước, dinh dưỡng giúp cây phát triển được trong điều kiện chật đất mà không ảnh hưởng tới hạ tầng.
PGS.TS Chế Đình Lý (ĐH Quốc gia TP.HCM) cho biết: “Ta chưa xem trọng cây xanh như các đô thị bên Mỹ. Trồng một cái cây 100 USD, người ta phải đầu tư cho một cái hố (phân bón, thay đổi đất) là 200 USD cây mới không bị ngã”.
Điều rút ra là không đáng để chạy theo thành tích trồng nhiều cây trong thời gian ngắn mà trồng cây nào cần có sự nghiên cứu, đầu tư và giám sát kỹ cây đó. Việc trồng ẩu, trồng xổi khiến mỗi mùa bão gió lại góp thêm lượng cây đổ cho thành phố, tốn công của đi dọn. Chưa kể cây đổ vào người dân, nhà cửa, vào xe cộ có thể gây ra những thiệt hại không thể khắc phục.
Thân cây có đường kính lớn không phù hợp
Chuyên gia lâm nghiệp Lê Huy Cường (Hội Khoa học kỹ thuật Lâm nghiệp Việt Nam) lưu ý khi trồng cây luôn phải tuân theo nguyên tắc cây to bầu to, cây nhỏ bầu nhỏ. Ông Cường nhấn mạnh để cây sống được, đứng vững được là do bộ rễ. Nếu bộ rễ của cây chắc chắn thì khó có thể bị quật ngã.
“Cây có 2 hệ gồm rễ ngang, rễ cọc. Rễ cọc đâm sâu xuống đất còn rễ ngang phát triển đến đâu, lá phát triển đến đấy. Trong khi đó cây rễ cọc không phát triển kịp sự phát triển của tán lá, cây khi gặp gió to ắt bị đổ”, chuyên gia Lê Huy Cường nêu.
Ông cho biết trước đây cây trồng trong thành phố thường có đường kính 10 cm, cao 6-7 m với bầu 40-60 cm, trồng xuống đất sâu khiến rễ phát triển nhanh, cây lớn đến đâu, rễ phát triển đến đấy.
“Tuy nhiên bây giờ những cây được trồng trong thành phố lại có đường kính 20-25 cm, thậm chí là 30 cm nhưng bầu lại bé. Cây sẽ được phun thuốc kích thích khi trồng nên rễ không kịp phát triển theo cành, lá. Những cây này dù trồng 10-20 năm vẫn có khả năng bị lật đổ khi gặp gió, bão”, chuyên gia Lê Huy Cường phân tích.
Kỹ sư Nguyễn Minh Hùng - Văn phòng Tư vấn và chuyển giao công nghệ Xây dựng Đại học Kiến trúc Hà Nội - nhấn mạnh đối với những cổ thụ , đặc biệt là những cây được trồng cạnh các di tích, kiến trúc cổ có giá trị văn hóa, lịch sử cần có sự quan tâm đặc biệt. Theo đó, cây cần được đánh giá, kiểm tra định kỳ, gia cố thường xuyên, chế độ chăm sóc riêng...
“Chúng ta cần thường xuyên gia cố cấu trúc cây bằng cách lắp đặt hệ thống dây cáp và thanh chống đỡ chuyên dụng, xây dựng kết cấu hỗ trợ xung quanh cây mà vẫn đảm bảo tính thẩm mỹ, cần chăm sóc cho cây một cách cẩn thận, kiểm tra định kỳ và xử lý các vết thương và phần mục ruỗng”, kỹ sư Nguyễn Minh Hùng nêu.
Để bảo vệ tốt hơn cây xanh trong đô thị cần xây dựng quy trình cụ thể cho việc bảo vệ cây và các công trình phụ cận, nâng cao sự liên kết đa ngành để bảo vệ không chỉ cây xanh mà cả những giá trị văn hóa, lịch sử gắn liền với thành phố.
“Những biện pháp này đòi hỏi đầu tư lớn về thời gian và nguồn lực, nhưng xét đến giá trị lịch sử và văn hóa của cả cây cổ thụ và kiến trúc xung quanh, đây là những nỗ lực cần thiết. Mỗi trường hợp cụ thể sẽ cần có phương án riêng, tùy thuộc vào đặc điểm của cây và môi trường xung quanh”, kỹ sư Nguyễn Minh Hùng nhấn mạnh.