Thầy giáo 8X mang “hơi thở cuộc sống” vào Toán học

Hải Bình | 22/07/2022, 06:30
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Đam mê Toán và muốn truyền đam mê đó đến học trò, thầy Phạm Văn Quang, Trưởng ban Toán, Trường Phổ thông Dewey đã bằng phương pháp dạy học sáng tạo, giúp toán học mang “hơi thở cuộc sống”, từ đó khiến học sinh hứng thú với môn học vốn được cho là khô khan này.

Kích thích hứng thú học toán

Nhiều năm lắng nghe chia sẻ từ phụ huynh, học sinh, thầy Phạm Văn Quang nhận thấy 2 khó khăn chính gặp sinh gặp phải khi học Toán.Thứ nhất là học sinh bị hổng kiến thức nền tảng từ lớp các lớp dưới. Do chương trình môn Toán được xây dựng theo mô hình đường tròn đồng tâm, nên nếu học sinh nào bị mất nền tảng từ lớp dưới thì sẽ rất khó tiếp thu kiến thức ở lớp trên. Học sinh có thể mất phương hướng, không biết bắt đầu từ đâu, học như thế nào, điều đó dẫn đến tâm lí chán nản.

Thứ hai, học sinh học thuộc định nghĩa, công thức, thậm chí học thuộc lời giải của từng dạng bài mà không chịu tư duy, không hiểu bản chất dẫn đến không giải được các đề toán “lạ”; tức là học sinh không có phương pháp học tập phù hợp với môn Toán.

Từ hai vấn đề trên, giải pháp thầy Quang đưa ra là học sinh cần phải hiểu các khái niệm, định lí, tính chất ngay tại thời điểm mình học. Trường hợp hổng kiến thức, học sinh cần sắp xếp thời gian bổ sung lại kiến thức bị hổng bằng cách tự học, nhờ giáo viên định hướng hoặc nhờ gia sư.

“Điều quan trọng nhất với nhà trường, với giáo viên là tạo được động lực và sự yêu mến của trẻ đối với môn Toán” - Nhấn mạnh điều này, thầy Phạm Văn Quang cho rằng, cần tạo sự hứng thú, tò mò của học sinh bằng cách đặt học sinh vào các tình huống cần giải quyết, đặc biệt là qua các trải nghiệm thực tiễn phù hợp với khả năng của học sinh.

Năng lực mỗi học sinh là khác nhau, nên chương trình phù hợp với từng em là rất quan trọng để tạo sự hứng thú. Điều này có thể đạt được thông qua dạy học bằng phương pháp khu biệt hóa, cá nhân hóa.

Cùng với đó, không khí lớp học nên vui vẻ, thân thiện và cởi mở giữa thầy và trò để học sinh có thể dễ dàng bày tỏ ý kiến, quan điểm. Điều này có thể đạt được bằng cách tổ chức một số trò chơi về môn Toán.

“Toán học là môn đòi hỏi suy luận rất cao. Mục đích giải toán là để phát triển các năng lực. Vì vậy, thay vì học thuộc, học sinh cần phải suy nghĩ tìm tòi để hiểu bản chất. Trước một vấn đề toán học, hãy đặt câu hỏi như: Bản chất là gì? Ứng dụng làm gì? Chứng minh như thế nào? Mình có thể đặt vấn đề tương tự, tổng quát hóa hay đặc biệt hóa vấn đề không? …”

Thầy Phạm Văn Quang

Thầy Quang cũng chia sẻ một phương pháp dạy học hiện đại mà nhiều nước áp dụng, đó là: Dạy học qua những dự án gắn liền với thực tế. Học sinh sẽ hứng thú hơn khi đi tìm lời giải trong quá trình thực hiện dự án, đồng thời còn phát huy được nhiều năng lực khác như: phát hiện và giải quyết vấn đề, mô hình hóa, suy luận và cả kĩ năng làm việc nhóm, thuyết trình, lãnh đạo…

“Những giải pháp trên được tôi áp dụng triệt để trong quá trình dạy học của mình đặc biêt là tại The Dewey Schools đã mang lại những hiệu quả đáng kể.

Mỗi tiết học Toán tại trường, giáo viên luôn là những trải nghiệm thực tiễn, hoặc đặt ra các tình huống lạ, độc đáo hoặc “nghịch lý” để kích thích học sinh tìm tòi kiến thức mới, thay vì truyền thụ một chiều. Học sinh được thảo luận, suy nghĩ và tự tìm ra kiến thức mới với sự định hướng của giáo viên.

Cách dạy học này giúp học sinh hứng thú hơn với giờ học, khắc sâu và vận dụng kiến thức tốt hơn.

Ngoài ra, chúng tôi còn đưa ra những lộ trình học tập phù hợp với năng lực của mỗi học sinh. Đây là một việc khá khó khăn khi người giáo viên phải chăm chú quan sát học sinh của mình và “tinh tế” đưa ra mục tiêu phù hợp cho từng giai đoạn. Đồng thời linh động trong việc điều chỉnh thời gian các giai đoạn đó để học sinh không nhàm chán với kiến thức dễ hoặc chán nản khi gặp kiến thức khó.” - thầy Phạm Văn Quang chia sẻ.

Đặc biệt hứng thú với việc triển khai việc học tập thông qua dự án, thầy Quang cho biết, hoạt động này đang được triển khai đồng bộ và sáng tạo tại ngôi trường mình đang công tác.

Ví dụ như dự án “Tổ chức triển lãm tranh về các khối hình” ở lớp 6; “Thiết kế nhà xanh” ở lớp 7; “Thiết kế phòng học chức năng” ở lớp 8; “thống kê, phân tích số liệu” ở lớp 10… các dự án này đều giúp các bạn áp dụng các kiến thức toán học vào thực tế.

Cụ thể với dự án “Thiết kế nhà xanh”, học sinh phải chia nhóm cùng lên ý tưởng thiết kế nhà, vừa bảo đảm các tiêu chí thẩm mỹ, chi phí hợp lý, tính toán diện tích, khối lượng nguyên vật liệu, thuyết trình về sản phẩm của mình và kêu gọi đầu tư.

Ngoài ra, học tập qua dự án không chỉ giúp học sinh có thêm kỹ năng Toán học, mà còn tổng hợp kiến thức liên môn của nhiều bộ môn khác và hình thành các năng lực công dân toàn cầu về hợp tác, làm việc nhóm, tư duy, sáng tạo, thuyết trình…

Thầy giáo 8X mang “hơi thở cuộc sống” vào Toán học  ảnh 1
Thầy Phạm Văn Quang

Đừng học toán chỉ để đi thi

Với chương trình phổ thông trước năm 2006, yếu tố thực tiễn ít được chú trọng. Chúng ta tập trung vào việc truyền thụ công thức, khuyến khích học sinh học thuộc áp dụng công thức đó vào giải các dạng đề toán với nhiều kĩ thuật tính toán phức tạp và với tâm lý học để thi.

Tuy nhiên, những hạn chế này phần nào được khắc phục trong Chương trình giáo dục phổ thông 2018, tạo ra một xu thế mới trong cả hoạt động dạy và học: Thay vì đánh giá theo nội dung kiến thức thì chương trình Phổ thông mới tập trung vào đánh giá năng lực người học. Những tác giả biên soạn sách giáo khoa cũng đã cố gắng đưa các yếu tố thực tiễn vào mỗi bài học để chúng trở nên sinh động, hấp dẫn hơn.

Nhắc đến điều này, thầy Phạm Văn Quang bày tỏ chờ đợi và hy vọng, triển khai Chương trình giáo dục phổ thông mới tiếp tục có thêm những đổi mới mang tính đột phá hơn nữa để tạo hứng thú, động lực học tập cho mỗi học sinh.

Luôn trăn trở với câu hỏi “làm cách nào để học sinh yêu thích toán học, làm thế nào để học sinh phát huy sự sáng tạo và tư duy, giải quyết vấn đề thay vì đau đầu với các công thức định luật để áp dụng giải các ‘dạng” đề thi?, thầy Quang cho rằng: Để giải quyết những câu hỏi trên cả xã hội cùng phải suy nghĩ và thay đổi tư duy “học toán chỉ để đi thi”.

Thầy Quang chia sẻ: Phụ huynh cũng cần giảm áp lực, kỳ vọng lên những đứa trẻ. Đồng thời, các giáo viên dạy Toán cần thay đổi cách dạy để phù hợp với năng lực và nhu cầu của mỗi học sinh.

Ngoài ra, chương trình học cần có sự phân hóa theo năng lực và đánh giá học sinh một cách toàn diện trong một quá trình, giai đoạn chứ không chỉ “chăm chăm” đánh giá kỹ năng giải toán, điểm số bài thi.

Có như vậy mới giúp học sinh phát triển các năng lực suy luận và phát hiện giải quyết vấn đề. Đây cũng chính là những năng lực giúp các em rất nhiều trong cuộc sống.

Bài liên quan
Học từ thành công và thất bại
Kỳ thi tuyển sinh lớp 10 THPT năm học 2022 - 2023 tỉnh Ninh Bình, học sinh Vũ Thành Lâm, Trường THCS thị trấn Yên Ninh, đạt 55,75 điểm, trở thành thủ khoa chuyên Toán Trường THPT chuyên Lương Văn Tụy. Đáng nói, đây là kết quả từ quá trình tự học và bồi dưỡng của giáo viên nhà trường, không qua “lò luyện”.

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Thầy giáo 8X mang “hơi thở cuộc sống” vào Toán học