– Tuần 2 luyện I am opening the door; You are opening the door.
– Tuần 3 luyện I am opening the door slowly/quickly.
7. Sử dụng bộ 500 Flashcards để in màu, ép nhựa.
8. Dùng bộ đồ chơi nhựa (thú vật, hoa quả, các phương tiện giao thông).
9. Dạy con về bộ phận cơ thể.
Quy trình:
1. Mẹ làm, mẹ nói (từ 5 đến 10 lần) cho con xem và nghe.
2. Con làm, mẹ nói.
3. Mẹ làm, con nói.
4. Con làm, con tự nói.
Về độ tuổi học tiếng Anh, theo thầy Sang: Một cháu bé chăm chỉ cần mẫn, nỗ lực hết sức, có chút năng khiếu, có tư duy ngôn ngữ tốt thì học từ năm lớp 7, lớp 8 vẫn có kết quả tốt, vẫn đủ "vốn liếng" tiếng Anh để lên cấp 3 và chuẩn bị hành trang vào đại học. Sự chênh lệch giữa một trẻ học tiếng Anh từ sớm và một trẻ học từ lứa tuổi lớp 7, lớp 8 (một cách đàng hoàng) thì không cách xa nhau bao nhiêu cả. Độ tuổi trẻ nên học tiếng Anh không quan trọng bằng "sự học liên tục", tiếp cận liên tục.
Dù cho con học năm bao nhiêu tuổi thì vấn đề quan trọng là, các bậc bố mẹ cần phân biệt giữa việc yêu thương lo lắng và việc áp đặt mong muốn của bản thân lên con cái. Vì bản thân bố mẹ tiếng Anh thì kém lại lười học, nhưng lại đặt trách nhiệm, gánh nặng lên vai con trẻ phải hoàn thành "ước mơ giỏi tiếng Anh" của mình.
Bạn nên hiểu rằng, chính bố mẹ là tấm gương tốt nhất, gần gũi nhất cho con cái học theo. Nếu bố mẹ cần mẫn, chăm chỉ học, nghiên cứu thì tự khắc trẻ cũng muốn "bắt chước" theo để được giống như bố mẹ mình. Thêm nữa, khi bạn có tư duy, có thói quen chăm chỉ học như vậy, bạn mới có "bằng chứng" để dạy con. Đừng bắt con mình làm những việc mà bản thân bạn còn chưa làm được!
Cách tuyệt vời nhất là bố mẹ cùng học, cùng đọc với con. Vừa tăng kiến thức, vừa gần gũi con và thêm gắn kết gia đình. Còn gì tuyệt vời hơn khi con cái bạn ham học, tránh xa game, TV, điện thoại… bởi chúng được gần bố mẹ sau cả một ngày "xa cách".
"Tự học giống như ăn buffet với hơn 1000 món từ khai vị đến tráng miệng. Ăn gì là quyền ở mình. Không ăn là quyền ở mình. Đừng nên máy móc và đừng nên ngóng đợi ai đem món đến. Nghĩa là bạn phải chọn thứ nào hợp với mình và con mình. Nhưng có hai 'thức ăn' phải "ăn" ngay và luôn khi muốn học tiếng Anh là bảng chữ cái ABC và thuộc cho được tối thiểu 50 động từ bất quy tắc.
Ngoài ra, bạn nên lưu ý, nghe và đọc phải được ưu tiên đặc biệt. Nghe, đọc nên chiếm 8 phần thời gian mà nói, viết chỉ nên chiếm 2 phần thôi. Với ngôn ngữ, bạn đừng nên làm rối, làm ẩu, làm tắt. Kiên nhẫn làm đi làm lại mới là quan trọng. Chọn tài liệu học nên dựa vào nguyên lý 7/3. Nghĩa là 7 phần đã biết và 3 phần chưa biết. Làm vậy, bạn không bị quá căng não cũng không quá dễ dãi.
Cuối cùng, ngôn ngữ là đời sống. Đời sống thì mênh mông như biển cả. Giáo trình và khóa học như vài ba giọt nước. Đừng mong dựa vào giáo trình và thầy cô để trở nên giỏi giang. Hãy chủ động tự học, tự nghiên cứu, tự tìm tòi, luôn khát khao, luôn háo chữ…
Phải biết trân quý và nâng niu kiến thức, nâng niu từ vựng. Coi trọng cái gì thì bạn mới mong có cái đó. Mọi người sẽ hiểu ra, học tiếng Anh là cả một quá trình, không thể 'ăn xổi', không thể 'cấp tốc'", thầy Sang nói.