Hiện nay, thầy Hờ Bá Pa đang chủ nhiệm lớp 2A1 với 32 học sinh đều là người dân tộc Mông. Gần như tất cả các em đều thuộc hộ nghèo, nhiều em hoàn cảnh gia đình rất khó khăn như mồ côi, tàn tật, bố mẹ bị bệnh hiểm nghèo,…
“Đa số phụ huynh đi làm ăn xa, gửi lại con cái cho ông bà. Ông bà không có điện thoại nên khó phối hợp giáo dục học sinh. Một số phụ huynh chưa thật sự quan tâm đến con em, còn phó mặc cho thầy cô. Nhiều khi giáo viên chủ nhiệm phải là người trang bị cho học sinh đồ dùng học tập như bút, thước, bảng con, vở viết,...
Cùng với đó, các em là người dân tộc Mông, giao tiếp tại trường và ở nhà hầu như chỉ toàn dùng tiếng mẹ đẻ, chưa mạnh dạn trong giao tiếp bằng tiếp phổ thông, nên rất khó khăn trong việc tiếp thu, thấu hiểu nội dung các môn học…”, thầy Hờ Bá Pa chia sẻ.
Công tác chủ nhiệm vốn đã khó khăn, nhưng với đặc thù lớp 100% học sinh người dân tộc, lại có nhiều học sinh hoàn cảnh đặc biệt, khó khăn tăng gấp nhiều lần. Thầy Hờ Bá Pa chia sẻ kỷ niệm đáng nhớ khi dạy lớp 2C tại Bản Ni năm học 2014-2015. Một học sinh trong lớp vì cha mẹ bỏ nhau nên phải ở với ông bà. Bà không cho cháu đi học với lý do là không có bố mẹ sẽ không có đủ điều kiện mua sách vở để tiếp tục học tập. Thầy đã trực tiếp đến nhà động viên, thuyết phục, hứa bỏ tiền cá nhân ra mua sách, vở, bút,… nên học trò đó đã được quay trở lại lớp học.
“Khi được học trở lại em đó đã rất cố gắng và cuối năm đạt điểm cao nhất kỳ khảo sát của nhà trường. Với người thầy giáo, đó là niềm hạnh phúc khó có thể diễn đạt bằng lời”, thầy Hờ Bá Pa bày tỏ.
Chia sẻ kinh nghiệm làm chủ nhiệm lớp, thầy Hờ Bá Pa cho rằng, giáo viên chủ nhiệm không chỉ là người thầy, mà còn là người cha, người mẹ, người anh, người chị, cũng có những lúc cần là người bạn… Như vậy, ở công việc này, giáo viên phải đặt mình vào rất nhiều vai và vai nào cũng đòi hỏi phải hoàn thành xuất sắc...
Để làm tốt công tác chủ nhiệm lớp, thầy Hờ Bá Pa cho biết mình luôn điều tra thông tin của học sinh ngay từ khi nhận lớp để nắm chắc lý lịch từng em (như số điện thoại, địa chỉ, hoàn cảnh gia đình, sức khỏe, tâm lý, trình độ học tập).
Tiếp theo là xây dựng kế hoạch chủ nhiệm với các nhiệm vụ trọng tâm, chỉ tiêu và giải pháp cho từng mặt hoạt động, dựa trên nhiệm vụ giáo dục và kế hoạch của nhà trường, của tổ chuyên môn. Từ đó, vận dụng cụ thể hóa vào tình hình của lớp.
Giáo viên chủ nhiệm nên thường xuyên tạo cơ hội để học sinh được bộc lộ suy nghĩ của mình, từ đó nắm bắt được nguyện vọng của các em, giải quyết kịp thời các vấn đề cần thiết. Luôn lắng nghe và thấu hiểu suy nghĩ của học sinh để có cách giải quyết thỏa đáng. Điều này cũng giúp tình cảm thầy trò ngày càng gần gũi, thân mật.
“Điều quan trọng nhất, công tác chủ nhiệm đòi hỏi thầy cô phải thực sự tâm huyết với nghề, yêu nghề, yêu người, mến trẻ và coi học trò như người thân yêu của mình”, thầy Hờ Bá Pa chia sẻ.