Thầy giáo trẻ nguyện "chung thủy" với nghề dạy học

Minh Phong | 21/06/2022, 06:51
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Động lực để tôi bám trường, bám lớp, gắn bó với nghề dạy học chính là tình yêu nghề và được thấy học sinh của mình vượt qua nhiều khó khăn, cắp sách đến trường".

Thầy Huỳnh Bá Hiếu trao phần thưởng cho các học trò. Ảnh: NVCCThầy Huỳnh Bá Hiếu trao phần thưởng cho các học trò. Ảnh: NVCC

Đó là chia sẻ của thầy Huỳnh Bá Hiếu – giáo viên bộ môn Toán, Trường Phổ thông dân tộc nội trú THCS Giồng Riềng (Kiên Giang). Thầy Hiếu là giáo viên trẻ, mới chuyển về trường này được 1 năm.

Hỗ trợ học trò không quản ngày, đêm

"Để khắc phục khó khăn trong thời gian học online, cả thầy - trò đều cố gắng, nỗ lực gấp 10 lần so với dạy – học trên lớp học truyền thống. Bản thân tôi luôn tìm tòi, hướng dẫn các em sử dụng những ứng dụng phù hợp với đặc trưng bộ môn Toán, giúp các em vượt qua khó khăn trong học tập”- thầy Hiếu bộc bạch.

Thầy tâm sự: Khó khăn lớn nhất trong dạy học là nhiều học sinh có hoàn cảnh khó khăn. Khi dịch Covid-19 ập đến, việc dạy – học trực tuyến của thầy – trò gặp nhiều gian truân, bởi nhiều em không đủ thiết bị để học. Thứ nữa, lần đầu tiên học sinh làm quen với cách học phi truyền thống nên còn khá nhiều bỡ ngỡ.

Chia sẻ về kỉ niệm nhớ nhất trong nghề dạy học, thầy Hiếu kể: Thời điểm thầy – trò vẫn dạy – học online do ảnh hưởng của Covid-19. Nhiều tháng liền thầy – trò chỉ gặp nhau qua màn hình Zoom…

Do gia đình nghèo nên không có học sinh nào có máy tính cá nhân để học. Chỉ học qua điện thoại. “Chúng tôi đã khắc phục khó khăn và quyết tâm thực hiện phương châm: tạm ngừng đến trường nhưng không ngừng học” – thầy Hiếu nhấn mạnh.

Ông Trần Thanh Hải - Phó Chủ tịch Thường trực Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam (hàng đầu bên trái) và TS. Nguyễn Ngọc Ân - Chủ tịch Công đoàn Giáo dục Việt Nam (hàng đầu bên phải) trao Bằng khen cho thầy Huỳnh Bá Hiếu. Ảnh: NVCC

Điều làm thầy Hiếu nhớ nhất là: hầu hết học sinh tham gia học trực tuyến đều không thể tương tác với giáo viên. Các em không biết đâu là nút “chat”, giơ tay, nộp bài... “Hàng đêm, tôi phải kết nối, nhắn tin với học trò để hướng dẫn các em những thao tác này. Đáng mừng là, các em rất hào hứng và chịu khó tham gia lớp học. Đến hiện tại, đa số học sinh của tôi đều tương tác thành thạo khi học online. Đó là sự tiến bộ vượt bậc của các em” – thầy Hiếu chia sẻ.

Nhiều người nói, làm giáo viên lương thấp lại nhiều áp lực; trong khi nhiều nghề khác thu nhập cao nhưng 16 năm qua, thầy Hiếu vận chung thuỷ với nghề, vẫn miệt mài bên trang giáo án và ngày lên lớp, làm bạn với phấn trắng, bảng đen, lấy học trò làm động lực.

Vì thế, thầy không ngừng rèn luyện, tu dưỡng đạo đức và chuyên môn, nghiệp vụ, nhằm mang đến cho học sinh những bài học bổ ích. Ngoài ra, thầy luôn trong tâm thế được học hỏi, chia sẻ với nhiều đồng nghiệp trong và ngoài tỉnh.

Động lực trong nghề

“Động lực để tôi bám trường, bám lớp và gắn bó với nghề dạy học chính là tình yêu nghề dạy học. Được thấy học sinh của mình vượt qua nhiều khó khăn mới được đến trường, đến lớp. Đặc biệt, gia đình luôn là chỗ dựa vững chắc giúp tôi có thời gian để đầu tư tìm tòi, học hỏi đồng nghiệp để có được sự tin tưởng từ đồng nghiệp và học trò” – thầy Hiếu bộc bạch.

Với những nỗ lực, cố gắng không mệt mỏi, thầy Hiếu đã nhận được nhiều bằng khen, giấy khen các cấp. Điển hình như: Năm 2019, thầy được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen. Nhiều năm liền, thầy là giáo viên giỏi cấp huyện, giỏi cấp tỉnh và chiến sĩ thi đua cơ sở và được Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang tặng Bằng khen. Năm ngoái, thầy Hiếu được Bộ trưởng Bộ GD&ĐT tặng Bằng khen.

Một trong sáng kiến tiêu biểu là “Ứng dụng hiệu quả Công nghệ thông tin trong dạy và học online”. Đặc biệt, trong dịch Covid – 19, thầy đã hỗ trợ cho nhiều giáo viên và học sinh; chia sẻ việc ứng dụng các phần mềm vào giảng dạy online hiệu quả. Giúp giáo viên sử dụng thành thạo các công cụ dạy học trực tuyến như: Zoom, Google Meet, Microsoft Teams, hệ thống vnEdu…

Thầy Huỳnh Bá Hiếu tại Hội nghị điển hình tiên tiến ngành Giáo dục giai đoạn 2015 - 2020. Ảnh: NVCC

Nhận xét về thầy Hiếu, thầy Danh Phương – Hiệu trưởng Trường Phổ thông dân tộc nội trú THCS Giồng Riềng (Kiên Giang) – cho hay: Dù là giáo viên trẻ nhưng thầy Hiếu là giáo viên “cứng” của trường. Thầy mới về trường đầu năm học 2021 – 2022, được bạn bè, đồng nghiệp, học sinh, phụ huynh tin yêu, quý trọng. Thầy sống hoà đồng, sẵn sàng giúp đỡ mọi người trong công việc cũng như trong cuộc sống.

“Không chỉ là giáo viên giỏi cấp trường, cấp huyện; thầy Hiếu còn là giáo viên cốt cán cấp tỉnh. Thầy được Sở GD&ĐT tỉnh Kiên Giang trưng tập để chấm thi giáo viên giỏi cấp tỉnh” – thầy Phương thông tin.

Bài liên quan
Indonesia: Vì một nền giáo dục chất lượng hơn
Đến nay, 19 phần của chương trình Merdeka Learning đã được thực hiện.

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Thầy giáo trẻ nguyện "chung thủy" với nghề dạy học