Dù chưa hết thời hạn 5 năm ra Trường Sa dạy học, nhưng thầy Lưu Quốc Thịnh vẫn mong được ở lại đây tiếp tục gieo con chữ sau khi hết nhiệm kỳ.
Hơn một tháng mới quyết định
Thầy Lưu Quốc Thịnh (42 tuổi, quê ở tỉnh Khánh Hoà) đã có 20 năm công tác trong ngành Giáo dục. Thầy từng có nhiều năm liền giảng dạy tại Trường Tiểu học Vạn Giã 1 (Vạn Ninh, Khánh Hoà), hiện thầy Thịnh đang công tác tại Trường Tiểu học Đá Tây (huyện đảo Trường Sa).
Ngôi trường này mới khánh thành và đưa vào sử dụng ngay ngày khai giảng năm học 2023 - 2024, nằm ngay cạnh toà nhà UBND xã rợp bóng cây xanh. Trường nơi xã đảo nhỏ chỉ có hơn chục học sinh độ tuổi từ mầm non tới lớp 5.
Dù biết trước ra đảo dạy học, nơi đầy nắng, sóng và gió sẽ vất vả hơn trong đất liền rất nhiều, nhưng người thầy có làn da “bánh mật”, tóc đã lấm tấm sợi bạc và giọng nói “đặc vùng biển” ấy vẫn quyết tâm viết đơn tình nguyện ra đảo.
“Dù biết ra đảo dạy học sẽ vất vả, không được thuận lợi như trong đất liền, gia đình cũng khuyên can nhiều, nhưng tôi thật sự muốn đi. Với một người thầy như tôi, việc ra đảo dạy học cũng là vinh hạnh mà không phải ai cũng có được. Nên sau khi nghiên cứu kỹ các điều kiện của Sở GD&ĐT và hơn 1 tháng suy nghĩ, tôi viết đơn tình nguyện đi”, thầy Thịnh tâm sự.
Theo thầy Thịnh, việc ra đảo dạy học cũng có những điều kiện rất cụ thể, như phải là nam giới dưới 50 tuổi, có trình độ đại học và phải được Sở GD&ĐT tỉnh Khánh Hoà xét duyệt kỹ lưỡng, thời hạn mỗi lần đi sẽ trong 5 năm.
Những ngày đầu ra đảo, thầy Thịnh cũng bỡ ngỡ vì cuộc sống khác với ở đất liền, phải sống xa gia đình, xa vợ con nên nhiều lúc cũng buồn và nhớ nhà. Nhưng chỉ nghĩ tới các em học sinh, nụ cười tươi rói và non nớt của chúng, lại là động lực giúp người thầy ấy vượt qua mọi khó khăn.
Vẫn muốn được trở lại Trường Sa
Ở Trường Tiểu học Đá Tây có 2 thầy giáo được chia ra dạy 2 nhóm lớp: mầm non và lớp 1; nhóm lớp 2 tới lớp 5.
Theo thầy Thịnh, việc khó nhất khi dạy học ở đảo là một thầy phải dạy cùng lúc nhiều trình độ.
“Tôi phụ trách dạy nhóm trẻ lớp 2 tới lớp 5, được gộp chung thành 1 lớp. Nhiều em lớn lên trên đảo, nên thiếu hụt hẳn kiến thức về tự nhiên, nhiều con vật rất phổ biến và quen thuộc với người dân trong đất liền nhưng các em cũng không biết”, thầy Thịnh nói.
Trên đảo không có Internet, nên để bù đắp những thiếu hụt ấy, các thầy nghĩ ra copy lại các video về những phần kiến thức ấy, rồi dùng Tivi mình được cấp để trình chiếu cho học trò xem.
Mỗi năm các thầy giáo trên đảo được nghỉ phép về đất liền vào dịp nghỉ hè, đây cũng là thời gian mà thầy Thịnh và các thầy giáo khác tranh thủ cập nhật kiến thức, cập nhật thêm những bài giảng mới hơn cho học trò.
Theo thầy Thịnh, học sinh ở đảo thiệt thòi so với các bạn cùng trang lứa trong đất liền. Các em cần phải được trang bị tiếng Anh, Tin học… mới có thể hoàn thiện kỹ năng để sau này trở về đất liền sớm hoà nhập và phát triển.
Nói về dự định tương lai, thầy Thịnh không ngại bày tỏ mong muốn ở lại đảo tiếp tục dạy học cho trò trên đảo sau khi hết nhiệm kỳ 5 năm.
“Tôi ra đảo từ năm 2023, nay cũng được 2 năm rồi. Thật sự ở đâu sẽ sinh tình cảm với nơi đó, tôi cũng không ngoại lệ. Ra đảo rồi sống ở đây, trong tình yêu thương và đoàn kết, trong tiếng cười non nớt của con trẻ mỗi ngày, làm tôi thêm yêu nơi này hơn. Tới đây, khi hết nhiệm kỳ 5 năm, tôi vẫn muốn ở lại đảo tiếp tục dạy học cho các cháu”, thầy Thịnh bày tỏ.
Đoàn công tác của Bộ GD&ĐT do Thiếu tướng Trần Ngọc Thanh, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Quốc phòng và An ninh làm Trưởng đoàn, đã tới thăm, tặng quà quân, dân, thầy và trò ở đảo Đá Tây.
Cũng trong chuyến công tác, Đoàn của Bộ GD&ĐT đã thăm, tặng quà quân, dân cùng thầy và trò nhiều điểm đảo, đảo thuộc quần đảo Trường Sa và nhà giàn DK1/15.