'Thầy kể trò nghe chuyện lâm sàng' cho sinh viên y khoa

Minh Phong | 27/04/2023, 09:54
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Năm đầu tiên, sinh viên y khoa hãy học tốt môn cơ sở, sau đó đi lâm sàng và phải bám sát lâm sàng, tuyệt đối không để xảy ra hội chứng sợ lâm sàng.

Theo các chuyên gia, thực hành lâm sàng là học phần đặc thù của ngành Y. “Lâm” là đến gần, “sàng” là cái giường (nghĩa là giường bệnh). Học lâm sàng có nghĩa là học những gì xảy ra trên người bệnh tại bệnh viện, bao gồm các dấu hiệu, triệu chứng, biến chứng của một bệnh hay những phản ứng của người bệnh với tình trạng bệnh tật, diễn biến của bệnh trong quá trình điều trị. Thậm chí là những tâm tư, nguyện vọng, mong muốn của người bệnh...

Nhấn mạnh tầm quan trọng của học lâm sàng đối với sinh viên y dược; PGS.TS.BS Phạm Quốc Bình - Chủ tịch Hội đồng trường, Học viện Y - Dược học cổ truyền Việt Nam - khẳng định, sinh viên bám sát lâm sàng sẽ có kỹ năng nghề nghiệp rất tốt. Vì vậy, các em hãy dành năm đầu tiên học tốt môn cơ sở, sau đó đi lâm sàng và phải bám sát lâm sàng, tuyệt đối không để xảy ra hội chứng sợ lâm sàng.

Đồng quan điểm, PGS.TS.BS Nguyễn Mạnh Khánh - Phó Chủ tịch Hội Ngoại khoa và Phẫu thuật nội soi Việt Nam, Phó Giám đốc Bệnh viện Hữu Nghị Việt Đức – cho rằng, để đi lâm sàng đạt được kết quả cao, quan trọng nhất là vấn đề tự học. Bên cạnh đó, nếu không xác định được động cơ và mục tiêu bước chân vào ngành y sẽ rất dễ chán nản trong quá trình học và làm.

'Thầy kể trò nghe chuyện lâm sàng' cho sinh viên y khoa ảnh 1

Tọa đàm “Thầy kể trò nghe chuyện lâm sàng” do Học viện Y – Dược học cổ truyền Việt Nam tổ chức.

Cũng theo PGS.TS Nguyễn Mạnh Khánh, sinh viên ngành y nếu không "gắn" mình với bệnh nhân, bệnh viện, cơ sở đào tạo... thì không thể trở thành bác sĩ giỏi được. Cần coi bệnh viện là môi trường học thuật, coi người bệnh như người thầy giáo của mình; chuẩn bị cho mình kỹ năng tự học thật tốt, chủ động bám sát bệnh nhân và tích luỹ thật nhiều kiến thức.

Kỹ năng tiền lâm sàng là một phần của kỹ năng y khoa cơ bản và được chia thành ba phần: Kỹ năng giao tiếp; Kỹ năng thăm khám và Kỹ năng thủ thuật. Đào tạo kỹ năng tiền lâm sàng giúp người học thành thạo các kỹ năng thăm khám, giao tiếp, xét nghiệm, thủ thuật và kỹ năng điều trị. Tất cả những điều này sẽ giúp sinh viên tự tin hơn, thái độ thực hành tốt hơn khi tiếp xúc với bệnh nhân thật sự. Đào tạo tiền lâm sàng là đào tạo mô phỏng bệnh.

Chia sẻ tại tọa đàm “Thầy kể trò nghe chuyện lâm sàng” do Học viện Y – Dược học cổ truyền Việt Nam tổ chức, TS Cao Việt Tùng - Phó Giám Đốc Bệnh viện Nhi Trung Ương - cho rằng, đào tạo tiền lâm sàng không phải là trào lưu, đây là bước quan trọng để kéo gần hơn khoảng cách giữa lý thuyết và lâm sàng cho sinh viên.

Bên cạnh đó, hiện nay với công nghệ hiện đại, các mô hình khám bệnh được tạo ra bởi AI, sản xuất mẫu vật có đặc tính bệnh tương tự cơ quan cơ thể thật bằng công nghệ in 3D. Người học hoàn toàn có thể giải phẫu ngay trên mẫu vật này. Điều này tạo thuận lợi cho sinh viên, nhà nghiên cứu có sự chuẩn bị kĩ lưỡng nhất, an toàn nhất khi tiến vào lâm sàng.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
'Thầy kể trò nghe chuyện lâm sàng' cho sinh viên y khoa