Thành tích xuất sắc của các đội tuyển đã khẳng định nỗ lực vượt bậc trong học tập, rèn luyện của học sinh, giáo viên và các nhà trường trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19. Đồng thời, khẳng định hướng đi đúng trong công tác dạy học, phát hiện, tuyển chọn và bồi dưỡng học sinh giỏi của ngành Giáo dục.
Nhận thức đúng sẽ có hành động đúng
Nhấn mạnh một số nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới, Thứ trưởng đề nghị, trước mắt cần nâng cao nhận thức về thi và quản lý chất lượng giáo dục. Nhận thức đúng sẽ có hành động đúng. Mỗi thành viên trong trường cần nhận thức đầy đủ và có ý thức, trách nhiệm về kiểm định chất lượng giáo dục.
Toàn cảnh hội nghị |
Trao đổi về phương án thi tốt nghiệp THPT năm 2023, Thứ trưởng cho biết, Bộ GD&ĐT sẽ có báo cáo với Chính phủ, tinh thần là giữ ổn định như năm 2022. Có thể điều chỉnh một số yếu tố kỹ thuật, nhằm đảm bảo phù hợp với thực tiễn.
Thứ trưởng cũng đề nghị các đơn vị hoàn thiện các văn bản chỉ đạo. Văn bản càng kỹ, càng tạo điều kiện cho cơ sở trong việc triển khai thực hiện. Công tác quản lý văn bằng, chứng chỉ cần tiếp tục triển khai chặt chẽ, hiệu quả.
Cho rằng, công tác thanh tra, kiểm tra ngày càng quan trọng, Thứ trưởng lưu ý, cần tiếp tục làm tốt công tác này. Ngoài ra, công tác kiểm định phải đồng bộ với Chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Cùng với đó, tiếp tục đổi mới công tác quản lý, lãnh đạo theo hướng: Rõ người, kín việc, phối hợp nhịp nhàng, chặt chẽ, chỉ đạo điều hành quyết liệt. “Trong đổi mới giáo dục, đổi mới quản lý là quan trọng” – Thứ trưởng nhấn mạnh.
Tại hội nghị, đại diện các sở GD&ĐT thống nhất cao với Báo cáo của Bộ GD&ĐT về công tác thi chọn học sinh giỏi cấp quốc gia, dự thi Olympic quốc tế. Báo cáo của Bộ cũng nêu bật những kết quả về công tác kiểm định chất lượng giáo dục; quản lý văn bằng, chứng chỉ; quản lý thực hiện Quy chế công khai năm học 2021 - 2022. Đồng thời xác định nhiệm vụ năm học 2022 - 2023 rõ ràng, mạch lạc. Đồng thời là kim chỉ nam để các địa phương, cơ sở giáo dục triển khai thực hiện.