Tuy nhiên, dù khách hàng có nhận được giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thì cũng không phải ở vị trí đã được Công ty Lộc Phúc đưa đến xem và đặt cọc lúc đầu mà là ở vị trí khác, cách xa hàng chục km, giá trị cũng thấp hơn rất nhiều.
Trường hợp khách hàng khiếu nại, tố cáo thì nhân viên trực tiếp giao dịch với khách hàng đó sẽ huỷ sim rác và chặn liên lạc.
Các "dự án ma" được tự dựng ra và tự lên bản vẽ
Hàng trăm khách hàng “sập bẫy”
Được biết, sau khi đường dây này bị phát hiện đã có 60 khách hàng là nạn nhân đến tố cáo bị lừa đảo hơn 70 tỷ đồng. Cơ quan điều tra ước tính có hàng trăm khách hàng đã sập bẫy của Công ty Lộc Phúc, đang kêu gọi các nạn nhân đến làm việc, điều tra vụ án và thu hồi tài sản trả lại cho họ.
Là một trong số những nạn nhân bị đưa vào tròng, vợ chồng chị T. ở TP Thủ Đức (TP HCM) cho hay, chị hỏi mua căn nhà giá rẻ ở quận Tân Bình nhưng sau đó bị nhân viên công ty này lùa lên xe khách "bít bùng", chở thẳng xuống huyện Trảng Bom để xem đất dự án.
Nghi ngờ những lời quảng cáo của nhân viên công ty này, chị T. dò hỏi những người xung quanh thì bị các nhân viên trấn an, giả vờ "tiết lộ" những thông tin riêng và cho biết từng kiếm được rất nhiều tiền khi mua dự án trước đó của Công ty Lộc Phúc. Lúc này, nhân viên công ty đề nghị vợ chồng chị T. chuyển 100 triệu đồng để nhận phiếu ưu đãi, nếu không mua có thể nhượng lại với giá gấp ba.
"Tôi nghi ngờ, chần chừ thì đám đông nhân viên cùng những người xung quanh hò hét, hối thúc khiến tâm lý tôi như bị áp đặt và làm theo", chị T. cho biết.
Cơ quan điều tra thu giữ con dấu và loạt chứng cứ lừa đảo
Theo Trung tá Võ Nhật Hồng Phúc, Trưởng Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Đồng Nai, qua điều tra ban đầu phát hiện, hàng tháng, công ty trên thu lợi dưới 20 tỷ đồng.
Ngoài dấu hiệu lừa đảo chiếm đoạt tài sản, công ty này còn có dấu hiệu của các tội danh khác và sẽ được cơ quan điều tra tiếp tục mở rộng trong thời gian tới.
Vì sao nhiều người mắc lừa?
Theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP Hồ Chí Minh, hiện nay có 2 loại thông tin về dự án, thứ nhất đó là thông tin về dự án đủ điều kiện mở bán, hiện nay mới chỉ dừng lại ở việc đưa lên web của Sở Xây dựng, không có tính lan tỏa. Nếu được, Sở Xây dựng nên có một danh bạ các cơ quan truyền thông để gửi thông tin. Sở Xây dựng cũng cần công khai tất cả các dự án trên địa bàn mà đang còn hiệu lực triển khai.
Tiếp đến là loại thông tin về quy hoạch, pháp lý, Sở Quy hoạch Kiến trúc cần phải công khai quy hoạch của các khu vực, các dự án. Sở Kế hoạch Đầu tư cần công khai danh mục những dự án được chấp thuận chủ trương đầu tư, đồng thời chấp thuận Nhà đầu tư theo Luật Đầu tư mới.
Ngoài ra, chính quyền cấp cơ sở cần phải vào cuộc. “Việc chính quyền cơ sở vào cuộc là cần thiết, vì không có dự án bất động sản nào mà không nằm trên một khu đất, một xã, một phường cả” - ông Châu nhấn mạnh.
Ông Châu cũng cho hay, người tiêu dùng bị “mắc lừa” có 2 dạng.
Thứ nhất là dạng có nhu cầu thật. Đây là thành phần người dân không hiểu nhiều về thị trường bất động sản, không hiểu nhiều về dự án, không hiểu về pháp lý cho nên rất dễ rơi vào bẫy dự án “ma”.
Thứ hai là dạng đầu tư thứ cấp, tức là mua đi bán lại. Bên cạnh đó, cũng có sự tiếp tay của các văn phòng thừa phát lại, một số văn phòng thừa phát lại cố tình làm trái quy định.
Lý giải nguyên nhân tồn tại các dự án bất động sản “ma” trên nhiều địa phương, Bộ Xây dựng cho rằng, có nhiều nguyên nhân nhưng chủ yếu là do: thông tin về quy hoạch, dự án chưa được kịp thời, công khai, minh bạch dẫn đến một số tổ chức, cá nhân lợi dụng để quảng bá, cung cấp thông tin sai sự thật nhằm trục lợi.
Đồng thời, do hành vi vi phạm chưa được kịp thời phát hiện, ngăn chặn ngay từ khi mới phát sinh. Việc xử lý và công khai xử lý hành vi vi phạm để cảnh tỉnh cho người dân biết.