Theo chân nhà báo The New York Times: Bắc Gaza chỉ còn đổ nát và bóng tối

26/11/2023, 17:23
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Nhà báo của tờ The New York Times cho biết bắc Gaza chỉ còn bóng tối và những đống đổ nát, sau hơn 40 ngày hứng chịu không kích từ phía Israel.

Sáng sớm 17-11, một nhóm gồm 5 nhà báo nước ngoài, trong đó có 3 người của tờ báo Mỹ The New York Times, đi cùng một đoàn xe quân sự của Israel chở hàng tiếp tế cho các binh lính Israel ở Dải Gaza (Palestine).

Cuộc hành trình của họ bắt đầu tại Be'eri, một ngôi làng ở phía tây bắc Israel. Đây cũng là nơi chứng kiến cuộc tấn công của phong trào vũ trang Hồi giáo Hamas (kiểm soát Dải Gaza) vào Israel hôm 7-10. Tại lối vào làng, người ta có thể dễ dàng bắt gặp các vết đạn của cuộc tấn công ngày 7-10.

Theo chân nhà báo The New York Times: Bắc Gaza chỉ còn đổ nát và bóng tối - 1

Một đoàn xe của Israel tiến vào bắc Gaza (Palestine). Ảnh: THE NEW YORK TIMES

Để được đi cùng đoàn xe vào bắc Gaza, các nhà báo phải ở bên cạnh các binh lính Israel trong suốt chuyến thăm kéo dài 4 giờ. Họ được yêu cầu không chụp ảnh bên trong những phương tiện họ đi và không được chụp ảnh khuôn mặt của hầu hết binh lính.

Các nhà báo cũng phải tắt kết nối di động trên điện thoại khi vào Dải Gaza để tránh bị phát hiện.

Bắc Gaza chỉ còn bóng tối và đổ nát

Đoàn xe tiến vào Dải Gaza qua khoảng trống trên hàng rào ngăn Dải Gaza với Israel. Đây cũng là nơi mà các thành viên Hamas dùng để xâm nhập lãnh thổ Israel hôm 7-10.

Trên đường đi đến khu vực tiếp giáp Dải Gaza, một số người dân Israel đã tặng bánh mì và đồ uống cho những người trong đoàn xe. Họ còn gửi lời cổ vũ cho các thành viên đoàn xe tiếp tế.

Tuy nhiên, theo nhà báo Patrick Kingsley của The New York Times, tiến vào Gaza nghĩa là tiến vào bóng tối.

Hầu hết Dải Gaza đã không còn nhiên liệu và điện, sau khi Israel cắt điện và chặn việc nhập khẩu nhiên liệu. Nhà máy điện của Dải Gaza cũng đã đóng cửa.

Tại những ngôi làng mà đoàn xe tiếp tế đi qua, nhà báo Kingsley cho biết ông không nhìn thấy ánh sáng phát ra từ các ngôi nhà.

Chưa đầy một giờ sau khi rời khỏi Israel, đoàn xe tiếp tế đã đến rìa phía nam TP Gaza (phía bắc Gaza). Tại đây, các nhà báo bị sốc khi chứng kiến cảnh tượng hoang tàn trong thành phố.

Sau hơn 40 ngày bị không kích, TP Gaza chìm trong hỗn độn. Các nhà báo nhìn thấy những ngôi nhà mất một bức tường, có nhà bị mất mái và có nhà bị mất cả phần mái và tường. Nhiều nơi thậm chí bị san phẳng, khiến các khối bê tông nằm chồng lên nhau như một bộ bài Tây.

Tại đây, khi hỏi thăm một chỉ huy cấp cao của Israel, nhà báo Kingsley choáng váng khi biết được rằng ông đang ở một khu phố mà ông từng đến thăm nhiều lần trước đây. Tất cả dường như đã thay đổi, chỉ còn lại đổ nát.

Nhà báo Kingsley cho biết trong 3 năm qua, ông đã đến thăm Gaza hơn chục lần. Trong những lần đó, ông thường đi bộ dọc theo những con đường ven biển, đi qua chợ cá, nhà thờ Hồi giáo, khu chung cư, một số hộp đêm bãi biển và quán cà phê.

Bây giờ, ông Kingsley cho biết hầu như ông không thể nhận ra được những nơi mình đi qua.

Ông không thể tìm thấy chợ cá. Ông cũng không nhận ra các khu chung cư đã bị các đợt không kích phá hủy. Con đường ông đi ngày xưa đã không còn, giờ biến thành một đường cát đầy vết lún do hàng trăm xe tăng và xe bọc thép của Israel để lại.

Theo chân nhà báo The New York Times: Bắc Gaza chỉ còn đổ nát và bóng tối - 2

Một khu vực đổ nát tại bắc Gaza (Palestine). Ảnh: THE NEW YORK TIMES

Đối với người Palestine và nhiều nhà quan sát quốc tế, thiệt hại trên diện rộng như vậy đối với các khu dân cư là bằng chứng cho thấy Israel đã tấn công bừa bãi vào Dải Gaza. Theo các cơ quan điều hành Dải Gaza, xung đột Israel-Hamas đã khiến hơn 14.500 người thiệt mạng và làm hơn 40.000 ngôi nhà bị hư hại.

Tuy nhiên, về phía Israel, các chỉ huy đoàn xe hộ tống gọi những thiệt hại này là cái giá không thể tránh khỏi. Họ cho rằng các thành viên Hamas đã bám trụ các tòa nhà và cơ sở hạ tầng dân sự, khiến họ phải tấn công những nơi này.

Trung tá Tom Perets - phó chỉ huy lữ đoàn của Israel tại TP Gaza, cho biết: “Chúng tôi bị bắn từ mọi hướng. Chúng tôi phải đáp trả”. Ông Perets cho rằng cuộc tấn công của Hamas vào Israel hôm 7-10 đã khiến phía Israel không còn lựa chọn nào khác, ngoài việc tấn công Dải Gaza.

Đường đến bệnh viện Al-Shifa

Trên đường đi, các binh sĩ đã tắt đèn pha của xe chở hàng tiếp tế để tránh bị phát hiện. Điều này khiến không gian tối om, nguồn ánh sáng duy nhất là các vì sao.

Dấu hiệu duy nhất của cuộc sống ven đường tại bắc Gaza là bóng dáng của những người lính bộ binh Israel. Họ tuần tra và canh gác các tuyến đường trong khu vực.

Theo nhà báo Kingsley, ông không thấy người Palestine nào cả.

Hơn một triệu người đã rời bỏ nhà cửa ở phía bắc Gaza, khiến toàn bộ khu vực này trở nên vắng vẻ. Một số ít người quyết định ở lại vì không còn lựa chọn nào khác.

Trả lời The New York Times hôm 16-11, ông Ahmed Khaled (39 tuổi) - một người ở lại miền bắc Gaza - cho biết: “Không phải ai cũng có thể sơ tán. Mẹ tôi bị ốm và không thể đi lại. Tôi không thể để bà một mình”.

“Xe cứu thương không đến được đây. Đôi khi họ phải mất 2 ngày mới đến nơi và đôi khi họ không đến. Nếu cần họ vào ban đêm thì họ không thể nào đến được” - ông Khaled nói.

Đến trung tâm TP Gaza, các nhà báo phải rời chiếc xe jeep mui trần và chuyển sang một xe bọc thép chở quân.

Vài phút sau, các nhà báo đến bệnh viện Al-Shifa - bệnh viện lớn nhất Dải Gaza. Nơi đây đã bị lực lượng Israel đột kích vào ngày 15-11. Trong khuôn viên bệnh viện, những người dân phải dựng lều để trú ẩn.

Các nhà báo được hộ tống vào bệnh viện Al-Shifa bằng một lối đi tắt. Lực lượng Israel cho biết việc đi qua cổng chính vẫn còn quá nguy hiểm vì có giao tranh ở gần đó.

Theo chân nhà báo The New York Times: Bắc Gaza chỉ còn đổ nát và bóng tối - 3

Binh sĩ Israel tại bệnh viện Al-Shifa, phía bắc Gaza (Palestine). Ảnh: THE NEW YORK TIMES

Bên trong bệnh viện, một đội lính Israel đang ngủ tại căn tin. Cách đó không xa, một vài ánh đèn le lói từ cửa sổ của bệnh viện. Các binh sĩ Israel cho rằng ánh đèn là bằng chứng cho thấy bệnh viện vẫn tiếp tục hoạt động, dù có sự hiện diện của lực lượng Israel.

Những người lính Israel còn đưa các nhà báo đi xem một đường hầm bằng đá và bê tông. Các chỉ huy lực lượng Israel cho biết đây là bằng chứng cho thấy Hamas có cơ sở quân sự bên dưới bệnh viện Al-Shifa.

Đại tá Elad Tsury - chỉ huy Lữ đoàn số 7 của Israel, nói rằng lực lượng Israel lo ngại bẫy mìn nên đã không mạo hiểm tiến xuống đường hầm.

Trong bóng tối, các nhà báo của The New York Times không nhìn thấy rõ đường hầm dẫn tới đâu và sâu đến mức nào. Tuy nhiên, họ có thể nhìn thấy dây điện và cầu thang bằng kim loại bên trong.

Nửa giờ sau, nhóm nhà báo rời khỏi bệnh viện Al-Shifa. Tuy nhiên, nhà báo Kingsley cho biết họ vẫn chưa thể xác nhận đường hầm đó có thực sự từng được Hamas sử dụng hay không.

Ông Kingsley cho biết khi họ quay lại đoàn xe chở hàng tiếp tế để quay về, họ nghe thấy tiếng súng. Theo ông Kingsley, những tiếng súng vang lên rất gần, có thể là từ các đường phố lân cận bệnh viện Al-Shifa.

Bài liên quan
Palestine trông mong hành động của Mỹ cứu thảm hoạ ở Gaza
GDTĐ - Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas cho rằng chỉ Mỹ mới có thể ngăn Israel tấn công thành phố Rafah nhằm tránh xảy ra thảm hoạ lớn nhất lịch sử ở Gaza.

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Theo chân nhà báo The New York Times: Bắc Gaza chỉ còn đổ nát và bóng tối