Năm 1734, ông đón sứ Thanh sang sắc phong. Năm 1742, là Phó sứ cùng Chánh sứ Nguyễn Kiều sang sứ Thanh, chuyến đi này kéo dài đến 3 năm. Năm 1747 ông lại được cử làm Chánh sứ sang Thanh.
Có giai thoại kể về việc ông ứng khẩu tài trí với các quan bang giao lúc giờ như thế này: Khi thấy ông đi sứ lần thứ hai, sứ thần Trung Hoa hỏi: An Nam hết người tài rồi sao mà lại cử ông đi lần này.
Nguyễn Tông Quai thản nhiên đáp: “Ở nước tôi, mọi người coi đi sứ là việc nặng nhọc, vất vả nên mở hai cuộc thi thơ nếu ai thấp điểm nhất thì người đó được cử đi sứ. Và cả hai lần thi, tôi đều xếp hạng bét nên mới phải đi thay”. Hai lần đi sứ Bắc quốc, với tài đối đáp lanh lợi, khôn khéo, Nguyễn Tông Quai được vua Càn Long nhà Thanh mến tài, cho người vẽ tranh tặng, các nhân sĩ Trung Hoa, Triều Tiên đều rất nể trọng.
Sự nghiệp chính trị của Nguyễn Tông Quai tương đối dài nhưng lắm gian nan. Năm 1750, sau chuyến đi sứ trở về nước, ông được làm Tả thị lang bộ Hộ. Cũng vì ông vốn tính ngay thẳng, ghét sự tà vạy, không kiêng tránh, nể nang nên không được lòng một số quan đồng triều. Một lần, ông bị Việp Quận công Hoàng Ngũ Phúc mượn chuyện đàn hặc, mà bị giáng xuống làm Hàn lâm thị độc, rồi sau đó bị truất bỏ.
Bức chân dung Nguyễn Tông Quai do vua Càn Long nhà Thanh cho người vẽ tặng. |
Sinh thời, Nguyễn Tông Quai viết tương đối nhiều, ngoài thơ Nôm giáo huấn (Ngũ luân tự) và thơ vịnh sử (Vịnh sử thi quyển), thì hai tác phẩm đi sứ bằng Nôm “Sứ trình tân truyện” và Hán “Sứ hoa tùng vịnh” hiện vẫn còn và đều rất sáng giá.
Theo Viện nghiên cứu Hán Nôm, “Sứ trình tân truyện” có nghĩa là truyện mới về lộ trình đi sứ.
Tác phẩm có tính chất ký sự này gồm 670 câu thơ Nôm lục bát, thuật lại cuộc hành đi sứ lần thứ nhất 1742 - 1745, ghi lại tâm tư, cảm xúc, ngâm vịnh về danh lam thắng tích, sơn kỳ thủy tú của sứ giả nhà thơ trên dặm dài từ Thăng Long đến Yên Kinh. Giữa mạch lục bát, xen vào 8 bài thơ Nôm Đường luật, được nhiều học giả xưa và nay coi là một chùm thơ đẹp.
Di cảo của Hoàng giáp Nguyễn Tông Quai. |
“Sứ trình tân truyện” là tập bút ký lục bát Nôm sớm nhất về đề tài đi sứ. Trước tác phẩm này, sử sách có ghi Đỗ Cận thế kỷ 15 có Kim Lăng ký bằng Nôm, Hoàng Sĩ Khải thế kỷ 16 có “Sứ Bắc quốc ngữ thi tập”, song cả hai đều mất. Thể thơ lục bát cũng đã được dùng nhiều từ đầu thế kỷ 16, trong đó có những bài hay như: Ngọa Long cương vãn, Tư Dung vãn của Đào Duy Từ, nhưng chưa hề có lục bát Nôm viết về đề tài đi sứ.
Nguyễn Tông Quai là nhà thơ đầu tiên dùng lục bát Nôm viết về đề tài đi sứ. Hơn nữa đề tài mới được thực hiện ở một thể loại cũng là mới, thể ký bằng thơ quốc âm, tuy rằng tên tác phẩm là tân truyện.
Đây rõ ràng là tập bút ký bằng thơ Nôm, ghi lại những điều tai nghe, mắt thấy trên lộ trình muôn dặm từ Thăng Long đến Yên Kinh. Tuy nhiên, đề tài và thể loại mới mẻ này, chỉ được khẳng định khi “Sứ trình tân truyện” thực sự là một thể nghiệm thành công.
Toàn bộ tác phẩm, như đã được nhiều học giả nhận xét, là một áng thơ rất đẹp, tứ thơ văn nhã, tài hoa, âm điệu hài hòa, réo rắt, hành văn lưu loát, trôi chảy, tiếp lời liền mạch “lừng tiếng thơ hay khắp cõi” (Ngô Thì Sĩ).
Phả tích trong dòng họ Tiến sĩ Nguyễn Tông Quai vẫn còn lưu lại sự kỳ diệu trong cuộc đời của vị Hoàng giáp làm thay đổi sự quy luật chung trước đó. Phả tích ghi rằng: Trước đời, Nguyễn Tông Quai (kể cả đời người cha sinh ông) đều độc đinh nghĩa là kế tục nhau chỉ sinh ra một người con trai.
Nhưng đến đời Nguyễn Tông Quai, ông có đến 7 người con trai và từ đó, dòng họ của ông phá được quy luật độc đinh. Con cháu sinh cành, nảy quả. Và nhiều người trong gia tộc đã chú trọng hơn đến con đường học vấn.
Sau khi rời quan trường, Nguyễn Tông Quai về quê mở trường dạy học, đào tạo anh tài, học trò giỏi có Lê Quý Đôn, Đoàn Nguyễn Thục. Năm 1767 ông mất tại quê nhà. Cuộc đời của Nguyễn Tông Quai được lịch sử đúc rút gói gọn trong bốn chữ “Niềm đan một tấm” (một tấm lòng son).
“Trên 30 năm làm quan, trải 5 đời vua, 3 đời chúa, Nguyễn Tông Quai nổi tiếng là nhà khoa bảng có tiết tháo, tâm huyết, không a phụ bọn quyền.
Nguyễn Án nhận xét: “Tính ông ngay thẳng mà ghét sự tà khúc, không chịu kiêng tránh gì cả”. Hồ Sĩ Đống tôn vinh Nguyễn Tông Quai rằng: “Tiên sinh giữ đạo chính, ghét kẻ tà, tuy bị kẻ hằn thù vu cáo mà bị tội, song lúc tiên sinh trở về vườn thì danh vọng lại càng trong”. Học trò của ông như Lê Quý Đôn, Đoàn Nguyễn Thục... đều là danh sĩ nổi tiếng đương thời”.