Tuy nhiên, theo Luật PPP, các nhà cung cấp dịch vụ thu phí được thành lập với mục đích chỉ để thực hiện nhiệm vụ thu phí đường bộ. Trường hợp muốn mở rộng dịch vụ phải điều chỉnh dự án thu phí điện tử không dừng để bổ sung các dịch vụ tăng thêm vào phạm vi dự án.
Còn theo quyết định số 19/2020 tài khoản giao thông của chủ phương tiện hiện tại chỉ được sử dụng để trả phí dịch vụ sử dụng đường bộ.
Đại diện Cục Đường bộ Việt Nam cho biết tại Dự thảo Luật Đường bộ, cơ quan này đã đề xuất bổ sung quy định hệ thống giao thông thông minh, cơ sở dữ liệu đường bộ và thanh toán điện tử giao thông.
Từ phân tích trên, Cục Đường bộ Việt Nam đề xuất Bộ GTVT báo cáo Thủ tướng cho phép các nhà cung cấp dịch vụ thu phí điện tử không dừng triển khai thí điểm mở rộng thêm dịch vụ thu phí điện tử không dừng tại cảng hàng không Nội Bài và Tân Sơn Nhất trong thời gian là 6 tháng.
Việc thí điểm trên cơ sở đảm bảo lợi ích xã hội, hiệu quả dự án theo quy định tại Quyết định số 19/2020 của Thủ tướng; đồng thời gia tăng tiện ích, tạo thuận lợi cho người sử dụng dịch vụ, phát huy hiệu quả đầu tư hệ thống thu phí điện tử không dừng, cũng như có cơ sở đánh giá, hoàn thiện hành lang pháp lý bảo đảm phù hợp, chặt chẽ, hiệu quả, đúng quy định pháp luật.
"Trên cơ sở quá trình triển khai và kết quả thí điểm thu phí điện tử không dừng tại cảng hàng không Nội Bài và Tân Sơn Nhất, Bộ GTVT tổ chức đánh giá tác động và rà soát, nghiên cứu đề xuất, kiến nghị phương án xử lý phù hợp, chặt chẽ, hiệu quả, đúng quy định pháp luật. Cục Đường bộ Việt Nam sẽ đề xuất thực hiện điều chỉnh, bổ sung Quyết định số 19 đồng thời với quá trình triển khai thí điểm", Cục Đường bộ Việt Nam nhìn nhận.