Tuy nhiên, thầy Trần Mạnh Tùng cũng đưa ra kiến nghị cần giới thiệu cả ma trận và bảng đặc tả. “Dù học sinh mới học đến lớp 11 song chương trình các lớp đã rõ ràng. Bộ GD&ĐT cần công bố các bảng này, nó là căn cứ cho đề thi và là cơ sở để xây dựng các đề thi khác, tránh những thắc mắc, khó khăn cho người dạy, người học. Đề thi Toán mới chỉ có các nội dung của lớp 10 nên rất cần công bố đề thi tốt nghiệp THPT từ 2025 có đầy đủ các nội dung đến lớp 12”, thầy Tùng cho biết.
Cùng với đó, để việc phân loại học sinh được tốt hơn nữa, thầy Tùng đề xuất có đủ 4 mức độ: Nhận biết; Thông hiểu; Vận dụng; Vận dụng cao. Đề như vậy sẽ khuyến khích việc dạy, học Toán và thuận lợi cho tuyển sinh đại học.
Đặc biệt cần bổ sung thêm năng lực sử dụng công cụ, phương tiện toán học, các bài toán thực tế cần giải quyết một bài toán cụ thể của đời sống.
“Môn Toán có 5 năng lực cơ bản. Ngoài 3 năng lực đã có trong đề thi thì còn thiếu 2 năng lực: Giao tiếp toán học; sử dụng công cụ, phương tiện toán học. Với đề thi kiểu này, không thể đánh giá được năng lực giao tiếp toán học nhưng cần đưa thêm năng lực sử dụng công cụ, phương tiện toán học.
Thời đại ngày nay, việc sử dụng công cụ, máy móc, phần mềm rất quan trọng; thiếu năng lực này thì đề thi đang bị … lạc hậu”, thầy Tùng đưa ra đề xuất.
Chương trình GDPT mới đề cao tính ứng dụng của Toán học. Các đề bài cần xuất phát từ một vấn đề cụ thể của cuộc sống, cần đưa Toán vào thực tế, đưa thực tế vào toán, cần có hơi thở của cuộc sống, gần gũi với cuộc sống.
“Chúng tôi mong muốn Bộ GD&ĐT tiếp tục cho thử nghiệm và lấy ý kiến rộng rãi, tiến tới xây dựng và công bố ma trận, bảng đặc tả và đề thi minh họa tốt nghiệp THPT cho năm 2025 để thuận lợi cho việc dạy, học và kiểm tra, đánh giá theo Chương trình GDPT mới.
Bên cạnh đó, cần bồi dưỡng cho tất cả giáo viên hiểu và thực hiện được việc đánh giá theo định dạng mới này cũng như có lộ trình triển khai cho các sách giáo khoa cho các nhà trường”, thầy Trần Mạnh Tùng chia sẻ.
Trước những nội dung mới như hiện nay, đối với học sinh đang học lớp 11 trở xuống, thầy giáo cho rằng các em cần học thực chất, toàn diện. Tránh việc học tủ, học lệch hay dự đoán nội dung sẽ thi, không thi. Đặc biệt, để đạt điểm cao với đề thi kiểu này, kỹ năng tính toán tốt cũng rất quan trọng. Học sinh có thể tiết kiệm được thời gian và không mắc lỗi dẫn đến kết quả sai. Cần rèn luyện ngay trong quá trình học, làm bài tập, làm bài kiểm tra tại lớp, rút ra những kinh nghiệm để cải thiện cho bản thân.
Chuyển đổi đánh giá năng lực học sinh
Đối với đề môn Hoá học, nhận định với Người Đưa Tin, thầy Vũ Khắc Ngọc - Giáo viên luyện thi môn Hóa học bày tỏ: “Năm 2025 sẽ là năm đầu tiên triển khai kỳ thi tốt nghiệp THPT theo Chương trình GDPT 2018. Như các thông tin đã đưa trước đó, kỳ thi này sẽ có một số những điều chỉnh so với kỳ thi tốt nghiệp THPT hiện nay.
Mặc dù vẫn với mục đích chính là để xét công nhận tốt nghiệp THPT nhưng sẽ có những điều chỉnh về hình thức câu hỏi, dạng thức hỏi và bám sát tinh thần đánh giá năng lực”.
Theo thầy Ngọc thời điểm hiện tại, Bộ GD&ĐT đã công bố đề minh họa 2025 nhưng sẽ sử dụng phạm vi kiến thức của lớp 10 để đưa vào đề. Việc này cũng đảm bảo tinh thần của đề thi đánh giá năng lực, giúp học sinh hình dung về một đề thi theo dạng thức mới và có định hướng ôn tập, chuẩn bị sớm cho kỳ thi.
“Cấu trúc và định dạng đề thi theo định hướng đánh giá năng lực, phù hợp với chương trình mới và được thể hiện thông qua đề minh họa, bảng năng lực - cấp độ tư duy kèm theo.
Đối với môn Hoá học, đề thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 có sự thay đổi về cấu trúc đề thi, dạng thức câu hỏi trong đề thi, đặc biệt làm tăng khả năng phân loại học sinh của đề thi, các trường đại học, cao đẳng hoàn toàn có thể sử dụng kết quả để xét tuyển vào trường”, thầy Ngọc bày tỏ.