Theo đó, kỳ thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 sẽ gồm hai môn bắt buộc (văn, toán) với hai môn lựa chọn (trong số các môn ngoại ngữ, lịch sử, địa lý, vật lý, hóa học, sinh học, giáo dục kinh tế và pháp luật, tin học, công nghệ).
Như vậy sẽ có hai môn thi mới trong kỳ thi tốt nghiệp là tin học và công nghệ.
Tiếng Anh sẽ được nhiều em chọn lựa
“Phương án thi của Bộ GD&ĐT khá ổn” - em Nguyễn Thế Dân, học sinh (HS) lớp 11 Trường THPT Nguyễn Hữu Huân, TP Thủ Đức, bày tỏ.
Lớp của Thế Dân thiên về xã hội, các em không học lý, hóa.
“Ngoài hai môn bắt buộc, em sẽ chọn lịch sử và tiếng Anh. Ngoài phục vụ cho kỳ thi tốt nghiệp, em còn dùng để xét tuyển vào ngành quản trị du lịch của Trường ĐH Kinh tế TP.HCM. Hy vọng đến năm 2025, tổ hợp xét tuyển vào trường không thay đổi” - Thế Dân nói.
Cũng theo Thế Dân, không chỉ riêng em, đa phần các bạn đều chọn tiếng Anh là môn thi thứ ba, bởi các bạn đều đầu tư cho môn này từ nhỏ.
“Việc Bộ GD&ĐT chỉ cho hai môn tự chọn khiến tụi em phải cân nhắc rất kỹ khi chọn môn thứ tư bởi môn thứ ba đương nhiên sẽ là tiếng Anh” - Thế Dân nói.
Đồng quan điểm, đại diện ban lãnh đạo Trường THPT Nguyễn Công Trứ, quận Gò Vấp cho hay HS của trường học tốt tiếng Anh. Hơn nữa 1/3 các em sau khi tốt nghiệp sẽ định hướng đi du học. Do đó có khả năng môn thi thứ ba được chọn lựa nhiều sẽ là tiếng Anh.
Học sinh lớp 11 Trường THPT Nguyễn Hiền, quận 11 trong tiết học hóa. Ảnh: PHẠM LÊ THANH
Cũng theo vị này, nhiều năm qua điểm thi môn tiếng Anh của TP luôn đứng đầu cả nước trong kỳ thi tốt nghiệp. Tiếng Anh không chỉ là thế mạnh mà hiện nay nhiều trường ĐH đều yêu cầu chứng chỉ để xét tuyển nên các em đều rất đầu tư cho môn học này dù nó không phải là môn bắt buộc để thi.
Thầy Ngô Phạm Hưng Thịnh, giáo viên Trường THPT Nguyễn Du, quận 10, bày tỏ: “Tôi vẫn hy vọng các em sẽ chọn môn thi thứ ba là tiếng Anh dù nó không bắt buộc. Bởi tiếng Anh là lợi thế của HS TP.HCM, nó không chỉ phục vụ cho kỳ thi, mà còn giúp các em có kiến thức để hội nhập quốc tế”.
Liệu có làm giảm cơ hội xét tuyển vào ĐH?
Em TP, HS lớp 11 một trường THPT ở quận 12, chia sẻ dự định chọn lý, hóa để thi tốt nghiệp, xét tuyển ĐH khối A00 (toán, lý, hóa). Em cũng học khá môn sinh nên muốn thử sức vào ngành y với tổ hợp B00. Nhưng với phương án của Bộ GD&ĐT được chọn tối đa không quá hai môn thi nên em chỉ có thể chọn một tổ hợp để xét tuyển.
Thầy Đặng Thanh Huân, giáo viên Trường THPT Nguyễn Hữu Thọ, quận 4, cũng băn khoăn liệu với phương án trên thì tổ hợp xét tuyển ĐH có ít hơn?
Với kỳ thi tốt nghiệp đến năm 2024, HS thi ba môn bắt buộc là văn, toán, ngoại ngữ và một bài thi tổ hợp khoa học tự nhiên hoặc khoa học xã hội (mỗi bài thi tổ hợp có ba môn). Như vậy, các em thi sáu môn và các trường ĐH có nhiều tổ hợp môn xét tuyển để thí sinh lựa chọn.
“Nhưng kể từ năm học 2025, HS chỉ thi bốn môn, nếu các trường ĐH dựa vào điểm thi tốt nghiệp để xét tuyển, tổ hợp môn sẽ hạn chế và không có nhiều cơ hội lựa chọn tổ hợp môn cho thí sinh. Điều này các trường ĐH phải thay đổi nhiều về phương án xét tuyển” - thầy Huân nói.
Tuy nhiên, ông Đỗ Dương Cung, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Hữu Huân, TP Thủ Đức, cho rằng vấn đề trên không đáng lo ngại.
“Việc thi nhiều môn như trước khiến HS dàn trải kém hiệu quả. Trong khi với bốn môn, các em sẽ có thời gian đầu tư để đạt kết quả cao hơn” - ông Cung nói.
Ông Cung cho biết với bài thi khoa học tự nhiên đang áp dụng, HS chủ yếu đầu tư vào hai môn lý, hóa.
“Với phương án này, các trường THPT phải có định hướng thật tốt để HS xác định được nghề nghiệp và lựa chọn môn học ngay từ khi mới vào trường” - ông Cung nói.
Đồng quan điểm, đại diện ban lãnh đạo Trường THPT Nguyễn Công Trứ cũng cho hay hiện nay con đường vào ĐH không chỉ dựa vào kỳ thi tốt nghiệp mà còn ba phương thức xét tuyển khác gồm tuyển thẳng, kỳ thi đánh giá năng lựa và học bạ.
“Nếu thay đổi tổ hợp môn xét tuyển, chỉ tiêu tuyển sinh các phương thức khác sẽ thay đổi. Trường cũng định hướng cho HS quan tâm đến kỳ thi đánh giá năng lực để có thêm cơ hội” - vị này nói thêm.
Với phương án trên, các trường THPT cũng đã có sự chuẩn bị để đón đầu.
Ông Võ Nu, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Hữu Cầu, huyện Hóc Môn, cho hay sau khi Bộ GD&ĐT chốt phương án, trường đang thực hiện khảo sát HS lớp 10 và 11 về việc chọn môn thi tốt nghiệp ở thời điểm năm 2025. Từ kết quả trên, trường sẽ có kế hoạch dạy và học phù hợp.
Tương tự, Trường THPT Nguyễn Công Trứ cũng đang có kế hoạch sẽ khảo sát HS về việc chọn hai môn tự chọn trong kỳ thi tốt nghiệp THPT.
Điều chỉnh tổ hợp môn xét tuyển Với phương án trên, các trường ĐH sẽ phải điều chỉnh tổ hợp môn xét tuyển cho phù hợp. Bên cạnh đó, các trường cũng phải tìm kiếm các phương thức tuyển sinh ĐH khác. TS NGUYỄN TRUNG NHÂN, Trưởng phòng Đào tạoTrường ĐH Công nghiệp TP.HCM Các trường ĐH sẽ có sự thay đổi khá đáng kể về mặt phương thức tuyển sinh ĐH cũng như khâu tổ chức đào tạo. “Nếu vẫn dùng phương thức xét điểm thi tốt nghiệp THPT, các trường sẽ phải có sự điều chỉnh về tổ hợp môn xét tuyển. Có thể thu gọn lại các tổ hợp và cân đối những môn học cần thiết cho các ngành cần thiết phải đưa vào. Muốn làm tốt điều này, công tác truyền thông cực kỳ quan trọng. Ông TÔ VĂN PHƯƠNG, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Nha Trang |