Phòng thi tốt nghiệp THPT tại Trường THCS & THPT Bắc Ái (Bắc Ái, Ninh Thuận). Ảnh: TG |
Không chủ quan kiến thức dễ
NGƯT Nguyễn Hoàng Vân cho rằng: Vào phòng thi bên cạnh tâm lý bình tĩnh thì kỹ năng làm bài vô cùng quan trọng. Đề thi thường được sắp xếp từ dễ đến khó. Ví như với môn Lịch sử, 30 câu đầu thường nhẹ nhàng và kiến thức cơ bản nhưng đòi hỏi học sinh không chủ quan. Cần đọc kỹ câu dẫn và các đáp án để có phương án lựa chọn đúng nhất và lấy điểm trọn vẹn 30 câu đầu.
Tránh tình trạng chủ quan, đọc câu dẫn thấy quen như thầy cô đã chữa mà chỉ đọc 1 đáp án đã lập tức chọn. Đối với 10 câu cuối đề thi, đáp án đúng thường na ná nhau nên phương pháp tốt nhất là phân tích, tìm cái sai trong đáp án rồi loại trừ dần, từ đó lựa chọn phương án đúng. Cần chú ý đến mốc thời gian và các từ khóa...
Theo kinh nghiệm của thầy Ngô Văn Tiến, giáo viên Toán, Trường THPT Hàn Thuyên (Bắc Ninh), trước thi vài ngày học sinh vẫn nên làm ít nhất mỗi ngày 1 - 2 đề thi để qua đó phát hiện điểm yếu của mình. Lưu ý, việc làm đề không nên chỉ để xem được mấy điểm, sau đó chuyển sang làm đề khác. Quá trình làm đề cần có 1 sổ tay nhỏ để ghi lại những hạn chế vì sao điểm thấp, yếu phần nào, hay sai mảng kiến thức gì... từ đó xem lại phần lời giải và rút kinh nghiệm.
Khi vào phòng thi, thầy Tiến khuyến cáo nhiều học sinh có thói quen đọc đề từ trên xuống và đọc đến đâu làm đến đó. Đây là sai lầm bởi nếu đề dễ thì không sao nhưng gặp câu khó học sinh sẽ không còn thời gian, tâm lý rối bời để làm các câu sau.
“Cần dành 2 - 3 phút để đọc lướt toàn bộ như vậy sẽ thấy được tổng quan đề khó hay dễ. Quá trình đọc lướt cần tích ngay câu dễ để sau đó làm trước. Cần phân bố thời gian làm bài hợp lý giữa các câu, phần. Trong khoảng 30 phút đầu phải làm hết các câu dễ, cơ bản. 1/3 thời gian cuối tập trung vào câu khó. Việc phân bố tùy theo sức học của từng học sinh để có thể lấy được điểm trọn vẹn những phần kiến thức mình chắc chắn...”, thầy Tiến chia sẻ.
Nhiều thầy cô cho biết, học trò vẫn mắc lỗi không chuẩn bị trước giấy báo dự thi, thẻ căn cước… Khi đi thi mới tìm thì mất thời gian, thậm chí thất lạc, quên không mang. Mặt khác, học sinh cần chú ý khi đi thi tốt nhất để điện thoại di động ở nhà, hoặc chót mang đi thì nhớ để ngoài phòng thi. Tránh trường hợp mang điện thoại theo người, dù không sử dụng nhưng vẫn vi phạm quy định…