Dự kiến, Kỳ thi tốt nghiệp THPT sẽ diễn ra vào tháng 7, nếu thời điểm này số học sinh F0 của trường vẫn nhiều, thì điều nhà trường và phụ huynh học sinh lo lắng đó là cơ hội được tham gia kỳ thi quan trọng này của các em sẽ bị ảnh hưởng. Điều này cũng đồng nghĩa với việc các em giảm đi một trong các cơ hội vào ĐH (phương thức xét tuyển qua điểm thi tốt nghiệp THPT vẫn chiếm số lượng lớn chỉ tiêu).
Tổ chức thi theo hướng bình thường mới
Tính đến ngày 21/3, số học sinh khối 12 của Trường THPT Đặng Trần Côn, Thừa Thiên - Huế bị F0 là 5 em (tỷ lệ 1,94%). Thông tin từ thầy Hiệu trưởng Nguyễn Ngọc Hiền, học sinh bị F0 ngày càng giảm, nếu không phát sinh tình huống đột biến, vào khoảng tháng 6 và tháng 7/2022, tình hình dịch bệnh có thể khả quan hơn. Mặt khác, việc điều trị của các F0 không kéo dài như trước kia nhờ việc bao phủ vắc-xin.
Để bảo đảm công bằng, quyền lợi cho học sinh, thầy Hiền cho rằng: Bộ GD&ĐT nên xem xét, cân nhắc việc tổ chức một đợt thi chung theo hướng bình thường mới, tránh việc chia cắt thành nhiều đợt và không xuất hiện việc thí sinh không được tham gia thi.
Cụ thể: Học sinh F0 không có nhu cầu thi tốt nghiệp THPT được xét đặc cách theo Quy chế thi hiện hành. Các em vẫn có thể xét tuyển vào đại học, cao đẳng theo các phương thức khác như: Xét học bạ, dùng chứng chỉ quốc tế, kỳ thi đánh giá năng lực.
Với những học sinh F0 có nhu cầu thi tốt nghiệp THPT thì bố trí một phòng thi riêng (cán bộ coi thi, phục vụ và học sinh phải bảo đảm các điều kiện phòng chống dịch theo quy định của Bộ Y tế) để các em được dự tuyển vào các trường đại học, cao đẳng theo kết quả (tổ hợp điểm 3 môn) của Kỳ thi tốt nghiệp THPT. Việc bố trí phòng thi riêng (nếu có) cần phải tính toán cho hợp lý để triển khai theo từng điểm thi hay một số điểm thi của Hội đồng thi.