Thi tốt nghiệp THPT với 4 môn giúp phân hóa học sinh từ sớm

29/11/2023, 19:35
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Nhiều giáo viên cho rằng, nếu thi tốt nghiệp THPT với 4 môn sẽ góp phần phân hóa học sinh từ sớm, các em cũng được giảm áp lực và căng thẳng.

Giảm áp lực, căng thẳng về số môn

Chiều 29/11, Bộ GD&ĐT đã chính thức công bố phương án tổ chức thi tốt nghiệp từ năm 2025 đối với khóa học sinh sinh năm 2007 bắt đầu học - thi theo Chương trình GDPT 2018.

Theo đó, các thí sinh sẽ phải thi 2 môn bắt buộc là Toán và Ngữ văn; hai môn tự chọn trong số các môn Ngoại ngữ, Lịch sử, Địa lý, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Tin học, Công nghệ, Giáo dục Kinh tế và Pháp luật.

Phan Khánh Đăng và Trần Hoàng Vân Anh, học sinh lớp 11 Trường THPT Phan Đình Phùng (Hà Nội) cho biết, mình đều sẵn sàng kế hoạch học tập để chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp THPT từ 2025.
Phan Khánh Đăng và Trần Hoàng Vân Anh, học sinh lớp 11 Trường THPT Phan Đình Phùng (Hà Nội) cho biết, mình đều sẵn sàng kế hoạch học tập để chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp THPT từ 2025.

Chia sẻ với Báo Giáo dục và Thời đại, thầy Hoàng Văn Hà - Hiệu trưởng Trường THPT Nghĩa Minh (Nam Định) cho rằng, phương án 2+2, tức thi 4 môn giúp phân hoá được học sinh ngay từ sớm.

Những em xác định thi đại học sẽ chọn khối D (Ngữ văn, Toán, Tiếng Anh, Giáo dục Kinh tế và Pháp luật); Khối A1 (Ngữ văn, Toán, Tiếng Anh, Vật lý); Khối C (Ngữ văn, Toán, Lịch sử, Địa lý). Các học sinh thi chỉ để tốt nghiệp chủ yếu sẽ chọn Ngữ văn, Toán, Công nghệ, Giáo dục Kinh tế và Pháp luật.

Đồng thời, đây là phương án thi ít môn nhất nên học sinh sẽ được giảm áp lực, căng thẳng. Từ đó, các em tập trung vào các môn sở trường của mình để định hướng nghề nghiệp rõ ràng.

Cô Phan Thị Hằng Hải và các em học sinh khối 11 Trường THPT Kim Ngọc, Vĩnh Phúc.
Cô Phan Thị Hằng Hải và các em học sinh khối 11 Trường THPT Kim Ngọc, Vĩnh Phúc.

Theo cô Phan Thị Hằng Hải - Hiệu trưởng Trường THPT Kim Ngọc (Vĩnh Phúc), thi 4 môn tốt nghiệp THPT là phương án tối ưu, giúp giảm bớt sự mất cân bằng trong việc lựa chọn các môn tự nhiên hay xã hội. Điều này sẽ phù hợp với năng lực, định hướng nghề nghiệp của học sinh khi lựa chọn thêm 2 môn tự chọn.

Phương án này cũng tạo điều kiện để các nhà trường thực hiện tốt giáo dục toàn diện, phát triển phẩm chất, năng lực học sinh. Công tác giảng dạy theo Chương trình GDPT 2018 của trường sẽ vẫn thực hiện theo đúng lộ trình; chú trọng định hướng kiến thức và nghề nghiệp theo tổ hợp mà học sinh đã lựa chọn.

"Trường hiện có 280 học sinh đang học lớp 11 và quan tâm đến thông tin này. Thời gian tới, Bộ GD&ĐT nên sớm công bố phương án thi, xét tuyển đại học, cách thức ra đề theo hướng đánh giá năng lực để học sinh có định hướng và sự chuẩn bị tốt nhất cho kỳ thi quan trọng này", cô Hằng Hải bày tỏ.

Còn đó những tâm tư

Thời gian này, hoạt động dạy và học các môn theo Chương trình GDPT 2018 tại các nhà trường vẫn được tiến hành theo đúng lộ trình.
Thời gian này, hoạt động dạy và học các môn theo Chương trình GDPT 2018 tại các nhà trường vẫn được tiến hành theo đúng lộ trình.

Dù được đa số học sinh, giáo viên lựa chọn nhưng phương án 2+2 vẫn khiến cho một số thầy cô tâm tư. Việc loại môn Tiếng Anh ra khỏi các môn bắt buộc sẽ gây ra những tác động không tốt cho nhu cầu học Tiếng Anh của học sinh và xã hội, đặc biệt là trong thời kì hội nhập quốc tế hiện nay.

Việc cho số môn tự chọn quá nhiều ở kì thi tốt nghiệp THPT sẽ khiến cho học sinh, phụ huynh hoang mang. Nhà trường sẽ khó tổ chức được hoạt động học và ôn tập cho học sinh. Từ đó cũng sẽ dẫn tới tình trạng thừa thiếu cục bộ giáo viên ở các bộ môn.

Là giáo viên Tiếng Anh tại Trường THPT Vị Xuyên (Hà Giang), cô Phạm Thị Liên bày tỏ niềm tiếc nuối khi Tiếng Anh chỉ là môn tự chọn của thí sinh thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025.

Cô Phạm Thị Liên, giáo viên Tiếng Anh Trường THPT Vị Xuyên, Hà Giang trong một giờ lên lớp.
Cô Phạm Thị Liên, giáo viên Tiếng Anh Trường THPT Vị Xuyên, Hà Giang trong một giờ lên lớp.

Cô Liên nhấn mạnh, với địa bàn vùng núi và nông thôn, điều kiện còn khó khăn nên nhiều em sẽ không lựa chọn thi Tiếng Anh. Tỷ lệ học sinh lựa chọn môn Tiếng Anh để thi tốt nghiệp THPT từ 2025 vẫn có nhưng sẽ rất ít. Chỉ những em thực sự thấy được tầm quan trọng của ngoại ngữ và có định hướng từ sớm mới lựa chọn.

Hiện tại, Trường THPT Vị Xuyên yêu cầu các giáo viên chủ động xây dựng kế hoạch dạy học, ôn tập bám sát nội dung, chương trình học, phù hợp với đối tượng học sinh; tập trung nghiên cứu tổng thể nội dung chương trình, xác định được kiến thức trọng tâm, kiến thức nền để dạy cho học sinh.

Thầy cô tổ chức các hoạt động kiểm tra, đánh giá thường xuyên, liên tục để giúp học sinh nắm vững kiến thức, kỹ năng, kịp thời điều chỉnh phương pháp học tập. Tăng cường các hoạt động dạy học tích cực, ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học.

Khi có đề minh họa thi tốt nghiệp THPT của Bộ GD&ĐT theo Chương trình GDPT mới, giáo viên cần thực hiện tăng cường xây dựng các đề thi cho học sinh rèn luyện, tổ chức thi thử để học sinh rèn luyện và tạo tâm lý vững vàng cho các em.

Theo lãnh đạo Bộ GD&ĐT, kỳ thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 môn Ngữ văn thi theo hình thức tự luận, các môn còn lại thi theo hình thức trắc nghiệm. Kỳ thi được tổ chức trên toàn quốc theo cách thức chung đề, chung đợt thi, cùng thời gian theo quy định của Bộ GD&ĐT. Về phương thức xét công nhận tốt nghiệp, Bộ GD&ĐT quy định kết hợp giữa kết quả đánh giá quá trình và kết quả thi tốt nghiệp theo tỷ lệ phù hợp với lộ trình triển khai Chương trình GDPT 2018.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Thi tốt nghiệp THPT với 4 môn giúp phân hóa học sinh từ sớm