Văn hóa

Thị trường tranh Việt: Bên ngoài nhộn nhịp, trong nước ế ẩm

22/06/2024 07:04

Vài năm gần đây, thị trường mỹ thuật Việt Nam diễn ra khá sôi động.

Không chỉ tranh được bán ở các gallery hay “dán nơ đỏ” ngay trong triển lãm, mà tranh Việt ở thị trường nước ngoài cũng được chú ý đặc biệt.

Bên ngoài nhộn nhịp, trong nước ế ẩm

Mới đây, tại phiên đấu Sotheby’s Paris, bức tranh sơn dầu “Les Chanteuses de Campagne” (Người hát dân ca) của danh họa Nguyễn Phan Chánh đã được gõ búa với mức giá 1,02 triệu EUR, tức 1,09 triệu USD (hơn 27 tỷ đồng) gồm thuế phí, và trở thành kỷ lục giá triệu đô đầu tiên của thị trường nghệ thuật Việt Nam năm 2024.

Trước đó, như Báo GD&TĐ đã thông tin, tác phẩm “Người hát dân ca” được Nguyễn Phan Chánh thực hiện bằng sơn dầu trên toan khổ lớn với kích thước 90,5 x 102,5cm vào năm 1930 – thời gian ông tốt nghiệp khóa đầu tiên Trường Mỹ thuật Đông Dương tại Hà Nội. Sau đó Victor Tardieu đã tuyển lựa bức tranh này gửi đi tham dự Đấu xảo Thuộc địa 1931 tại Paris. Vợ chồng bác sĩ Pháp đã mua bức tranh và giữ tại tư gia từ đó đến nay.

Trước khi đấu giá, ông Ace Lê – Giám đốc thị trường Việt Nam của hãng Sotheby’s xác nhận với Báo GD&TĐ rằng: “Người hát dân ca” được Sotheby’s đưa ra mức giá dự kiến là 600.000 - 900.000 EUR (khoảng 16 - 25 tỷ đồng). Còn nhà nghiên cứu Lý Đợi lại đánh giá tác phẩm khó vượt qua giá trần 900.000 EUR.

Tuy nhiên, mọi dự kiến chỉ là tương đối, với giá gõ búa mức 1,02 triệu EUR bất chấp tình hình vốn ảm đạm trong gần 2 năm qua của thị trường mỹ thuật thế giới.

Với mức giá này, “Người hát dân ca” đã lọt top 20 tranh Việt đắt giá nhất mọi thời đại, đứng ở vị trí thứ 15, bên cạnh các tác phẩm khác của Lê Phổ, Mai Trung Thứ, Lê Quốc Lộc, Phạm Hậu, Tô Ngọc Vân và Vũ Cao Đàm. Và đây là tác phẩm thứ hai của Nguyễn Phan Chánh đạt mốc triệu đô, sau bức tranh lụa “Les Couturières” (Những cô thợ may) gõ búa 1,39 triệu USD năm 2020.

“Từ 2019 đến nay, năm nào thị trường cũng có ít nhất 1 giao dịch gõ búa triệu đô. Trong cùng phiên Sotheby’s Paris, ngoài bức tranh của Nguyễn Phan Chánh còn tác phẩm Việt đáng chú ý khác, như: “Parfum de fleurs” (Hương hoa) của Lê Phổ (288.000 EUR), “La fenêtre” (Bên cửa sổ) của Mai Trung Thứ (84.000 EUR), “Buste de jeune indo-chinois” (Chân dung chàng trai Đông Dương)” của Vũ Cao Đàm (60.000 EUR) và “Paysage au Nord du Vietnam” (Phong cảnh Bắc Kỳ) của nhóm sinh viên Trường Mỹ thuật Đông Dương (72.000 EUR)”, ông Ace Lê cho hay.

Đó là tình hình tranh Việt ở thị trường nước ngoài, còn tranh Việt ở thị trường nội địa thì sao? Tranh giá triệu đô đã là một chuyện không thể xảy ra, song ngay tại các gallery tình hình mua bán cũng vô cùng ế ẩm.

Bà Trần Phương Mai – chủ gallery MAI (113 Hàng Bông, Hoàn Kiếm, Hà Nội) cho biết, rất ít người mua tranh, không có phòng tranh nào chuyển tác phẩm... khiến gallery vô cùng khó khăn.

Bà Trang Hạnh – nhà sáng lập không gian nghệ thuật Hakio - Let’s Art (38 Trần Cao Vân, phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TPHCM) cũng nói với Báo GD&TĐ rằng: “Hà Nội sức mua không như TPHCM bởi quan điểm chi tiêu khá kỹ. Song tình hình thị trường TPHCM cũng không có biến chuyển, chỉ túc tắc với những tác phẩm giá từ 1.000 – 2.000 USD, còn giá trên 2.000 USD thì rất khó bán. Tranh tượng nghệ thuật vẫn là đồ xa xỉ, không phải mặt hàng thiết yếu nên sẽ không phải là ưu tiên hàng đầu khi chi tiêu”.

Tác phẩm 'Người hát dân ca' của danh họa Nguyễn Phan Chánh vừa được gõ búa với mức giá 1,02 triệu EUR (hơn 27 tỷ đồng).
Tác phẩm 'Người hát dân ca' của danh họa Nguyễn Phan Chánh vừa được gõ búa với mức giá 1,02 triệu EUR (hơn 27 tỷ đồng).

Thị trường không phải là thước đo giá trị

Trước sự chìm lắng của thị trường mỹ thuật nội địa, vẫn có nhiều họa sĩ bán được tranh nhờ tài năng, uy tín và cả sự may mắn do yếu tố quan hệ. Trong đó có họa sĩ Nguyễn Thanh Bình, song ông Bình lại cho rằng thị trường chỉ xuất hiện theo sau những giá trị của nghệ thuật và là hoạt động tất yếu.

Thị trường nghệ thuật không phải là thước đo tài năng mà chỉ phản ánh thị hiếu. Thị hiếu lại phản ánh hình thái văn hóa của từng thành phần xã hội.

“Trong một thời gian khá dài, trong các CV (Curriculum Vitae) nghệ thuật, các họa sĩ thường thích ghi thêm một số chi tiết được coi là điểm nhấn để PR và xác quyết về uy tín tài năng của mình: “Có tranh trong các bộ sưu tập...” giống như một thứ bảo chứng và rất thích bán cho tây. Và bây giờ, có một hiện tượng rất phổ biến: Câu hỏi thường nghe nhất về một triển lãm là “có bán được không? Bán bao nhiêu bức? Bao nhiêu tiền?”, và coi đó như tiêu chí thành công”, họa sĩ Nguyễn Thanh Bình cho hay.

Tuy nhiên theo ông Bình, bán được tranh là mong ước chính đáng, điều ấy không cần bàn, nhưng vấn đề là ai mua; mua làm gì và vì sao lại mua tranh... mới là những điều cần phải hiểu. Đối tượng và mục đích mua tranh rất khác nhau. Mua vì giá trị thật, mua vì thích có cái tranh treo cho vui mắt, đỡ trống trải hay mua chỉ để ủng hộ, nể nang.

Thị trường không phải thước đo, nhưng họa sĩ phải tạo cá tính sáng tạo hoàn toàn riêng biệt.
Thị trường không phải thước đo, nhưng họa sĩ phải tạo cá tính sáng tạo hoàn toàn riêng biệt.

Ông Bình kể rằng, trước đây “Gang of Five” ở Hà Nội hay “Group of Ten” ở TPHCM làm triển lãm chỉ có mục đích duy nhất là giới thiệu tranh mới. Trước đó nữa, “Nhóm 4 họa sĩ” làm triển lãm đầu tiên ở TPHCM năm 1988 cũng chỉ vì đã vẽ nhiều và muốn giới thiệu, mà chưa ai có ý định bán tranh. Lúc đó thị trường nghệ thuật vẫn chưa hình thành nhưng đã xuất hiện những nhà sưu tập.

Vậy làm sao để bán được tranh, thật nhiều tranh? Theo ông Bình, điều đầu tiên họa sĩ phải lao động, nhưng đừng lao động theo kiểu để có tranh triển lãm rồi bán kiếm tiền. Điều đó không hay, không phải lao động để có sản phẩm, mà lao động vì một cá tính sáng tạo hoàn toàn riêng biệt, hoặc ít nhất tạo ra thứ mà người phương Tây gọi là “interesting” (hấp dẫn, thú vị)...

“Triển lãm nhiều thì lần sau phải khác lần truớc. Ai cũng nói mình là kẻ bán tranh nhiều nhất, nhưng ít ai biết đến mục đích thực phía sau và khía cạnh phải trả giá. Vì vậy, phải xác quyết một điều rằng: Bán được tranh không bao giờ là một tiêu chí hay thước đo mà chỉ là kết quả của một nỗ lực, đôi khi khá đau khổ!”, họa sĩ Nguyễn Thanh Bình nhận định.

“Giá trị nền mỹ thuật không nằm ở sự nhộn nhịp của thị trường, mà nằm ở chỗ tạo ra diện mạo của một dân tộc, đối với thế giới. Giá trị của mỗi họa sĩ không nằm ở chỗ bán được tranh, bán giá cao, mà ở chỗ tạo ra cá tính sáng tạo được thừa nhận, mà không chỉ là sự thừa nhận và khen ngợi trong làng mỹ thuật với nhau”, họa sĩ Nguyễn Thanh Bình cho biết.

Theo giaoducthoidai.vn
https://giaoducthoidai.vn/thi-truong-tranh-viet-ben-ngoai-nhon-nhip-trong-nuoc-e-am-post688273.html
Copy Link
https://giaoducthoidai.vn/thi-truong-tranh-viet-ben-ngoai-nhon-nhip-trong-nuoc-e-am-post688273.html
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Thị trường tranh Việt: Bên ngoài nhộn nhịp, trong nước ế ẩm