Thiếu cơ chế mạnh để hút nhân lực công nghệ cao

Anh Tú | 30/07/2022, 13:05
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Nhân lực KHCN có sự phát triển mạnh mẽ nhưng còn hạn chế ở khu vực công do chính sách đãi ngộ thu hút nhân tài chưa tương xứng.

Cần xây dựng chính sách hút nhân lực

Ngày 11/5/2022, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 569/QĐ-TTg về Chiến lược phát triển KHCN và đổi mới sáng tạo đến năm 2030. Theo đó, một trong những nhiệm vụ, giải pháp của chiến lược là phát triển nguồn nhân lực KHCN và đổi mới sáng tạo có trình độ và năng lực sáng tạo cao.

Theo đó, cần chuẩn bị trước một bước nguồn nhân lực KHCN và đổi mới sáng tạo trong tương lai; Tăng cường đào tạo kiến thức về KHCN, nâng cao năng lực tin học, ngoại ngữ, rèn luyện năng lực thiết kế sáng tạo gắn với các dự án thực tế trong trường phổ thông, đặc biệt thông qua hình thức đào tạo STEM (khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học) và STEAM (khoa học, công nghệ, kỹ thuật, nghệ thuật và toán học);

Đầu tư xây dựng đội ngũ nhân lực KHCN trình độ cao, nhanh chóng xây dựng đội ngũ nhà khoa học đầu ngành, từng bước nâng cao tiêu chuẩn nhà khoa học đầu ngành tiệm cận với tiêu chuẩn ở các nước phát triển. Song song đó là triển khai các giải pháp nâng cao số lượng và chất lượng nguồn nhân lực KHCN và đổi mới sáng tạo đáp ứng nhu cầu của khu vực doanh nghiệp; Đổi mới chương trình đào tạo cho nhân lực KHCN trong các trường cao đẳng, đại học hướng tới đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động.

Ông Phạm Hồng Quất (Cục trưởng Cục Thị trường và Doanh nghiệp KHCN, Bộ Khoa học và Công nghệ) cho biết, Chính phủ đã có nhiều chính sách để phát triển KHCN và đổi mới sáng tạo; Đồng thời đang tiếp tục tháo gỡ những vướng mắc trong cơ chế, tạo mọi điều kiện tốt nhất để doanh nghiệp KHCN hoạt động.

“Thời gian qua, ở các địa phương, đặc biệt là TPHCM đã đặt hàng nhiệm vụ khoa học và thu hút rất nhiều doanh nghiệp, trường đại học, viện nghiên cứu... tham gia. Từ đó có nhiều công trình, dự án nghiên cứu ở khắp các lĩnh vực được ứng dụng vào thực tế, được chuyển giao công nghệ với chi phí thấp, hỗ trợ doanh nghiệp, các đơn vị giải quyết bài toán chi phí đầu tư ban đầu.

Tuy sự chuyển biến là rõ rệt nhưng vẫn chưa như kỳ vọng. Để việc này hiệu quả hơn, bên cạnh sự hỗ trợ từ chính sách, các địa phương cần tranh thủ sự tham gia từ nguồn lực sẵn có của các trường đại học, trung tâm hoặc viện nghiên cứu. Cụ thể là các sở, ngành của địa phương cần ứng dụng công nghệ mới vào lĩnh vực nào thì đưa ra nhiệm vụ khoa học để đặt hàng các cá nhân, đơn vị nghiên cứu, chuyển giao và đưa vào ứng dụng”, ông Phạm Hồng Quất nhấn mạnh.

Chia sẻ về sự chuyển động của TPHCM, ông Nguyễn Việt Dũng, Giám đốc Sở KHCN TPHCM, cho biết thời gian qua, Sở KHCN TP đã phối hợp tổ chức các khóa đào tạo cho giảng viên, cán bộ quản lý trường học. Đây được xem là lực lượng nòng cốt trong việc hình thành mạng lưới nghiên cứu khoa học. Cụ thể, sở đã phối hợp đào tạo STEM trên 14.000 giáo viên và khoảng 150.000 học sinh với gần 3.000 câu lạc bộ sáng tạo trong trường học.

TS Đào Thanh Trang, chuyên gia đào tạo nhân lực Công ty Hoàn Cầu, cho rằng, chuyển động này là đáng ghi nhận, bởi hiện nhân lực KHCN đã thiếu lại còn chảy máu chất xám, nhất là ở khu vực công. Nguyên nhân là chưa có chế độ đãi ngộ xứng đáng, chưa tạo điều kiện để đội ngũ nhân lực KHCN phát huy thế mạnh.

“Thực tế có nhiều nghiên cứu có khả năng ứng dụng vào thực tiễn nhưng vẫn còn nằm trong ngăn kéo. Đây cũng là nguyên nhân dẫn đến sự lãng phí nhân lực, chất xám ở lĩnh vực KHCN. Nói thiếu nhân lực KHCN cũng chưa hoàn toàn đúng bởi thực tế hiện nay, đội ngũ này đang phát triển rất mạnh và hầu hết đều “đầu quân” cho các tập đoàn công nghệ lớn hoặc đang điều hành doanh nghiệp KHCN do họ sáng lập. Cái chính của chúng ta là làm sao thu hút lực lượng này vào khối công”, TS Đào Thanh Trang nói.

Thiếu cơ chế mạnh để hút nhân lực công nghệ cao ảnh 1

Nhân lực KHCN khu vực công vẫn còn rất yếu và thiếu.

Làm gì để công tác chuẩn bị nhân lực KHCN hiệu quả?

Để công tác chuẩn bị nhân lực KHCN chất lượng, đáp ứng nhu cầu phát triển của đất nước trong tương lai, các chuyên gia cho rằng, ngoài việc làm tốt công tác đào tạo, nuôi dưỡng nguồn lực giỏi từ các trường đại học, cao đẳng thì Chính phủ, từng địa phương phải xây dựng hệ sinh thái hợp tác giữa viện nghiên cứu - trường học - doanh nghiệp.

PGS.TS Vũ Tuấn Hưng - Viện Khoa học xã hội vùng Nam Bộ, Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam - cho rằng, trong ngắn hạn, giải pháp hiệu quả để phát triển nguồn nhân lực KHCN chính là tuyển dụng đội ngũ cán bộ, chuyên gia đang học tập và làm việc ở nước ngoài.

Đây là đội ngũ nhân lực có tri thức cao do tiếp cận với nền giáo dục và môi trường làm việc quốc tế. Tuy nhiên trên thực tế, hầu hết việc thu hút và sử dụng nguồn nhân lực KHCN chủ yếu được thực hiện ở khối các doanh nghiệp, tập đoàn tư nhân, trong khi muốn thực hiện số hóa nền kinh tế đòi hỏi phải có sự kết hợp giữa cả Nhà nước và doanh nghiệp.

Về dài hạn, để đáp ứng nhu cầu về nguồn nhân lực KHCN trong bối cảnh hội nhập thì hệ thống giáo dục và đào tạo, nhất là giáo dục nghề nghiệp cần nhanh chóng tạo ra đội ngũ nhân lực có khả năng thích ứng cao với cuộc CMCN 4.0. Bởi đây là nền tảng, gốc rễ của phát triển nguồn nhân lực. Đặc biệt, cơ cấu đào tạo ngành nghề cần chú trọng theo hướng phù hợp với việc áp dụng mô hình kinh tế số. Các chương trình đào tạo về KHCN cần hướng đến xã hội hóa nhiều hơn thay vì để hoàn toàn Nhà nước thực hiện.

“Để làm được điều này, Chính phủ cần xây dựng chính sách đãi ngộ hợp lý, từ hệ thống tiền lương, thưởng, phụ cấp và các đãi ngộ phi vật chất khác. Đây là một trong những vấn đề mà nhân lực trong lĩnh vực này quan tâm nhất hiện nay”, PGS.TS Vũ Tuấn Hưng nói.

TS Đào Thanh Trang cũng nhìn nhận hoạt động nghiên cứu khoa học, sáng tạo trong trường học chính là nền tảng để phát triển nhân lực KHCN sau này. Khi đã xây dựng được nền tảng vững chắc để thúc đẩy nghiên cứu khoa học và có chính sách thu hút thì lúc đó không phải lo thiếu nhân lực.

“Song song với đào tạo nhân lực KHCN, trường học cần liên kết chặt chẽ với khu vực doanh nghiệp để tạo điều kiện cho người học tham gia vào các dự án nghiên cứu. Chính họ là lực lượng tạo ra những sản phẩm nghiên cứu ứng dụng vào thực tế đáp ứng yêu cầu của thị trường với giá thành thấp nhưng hiệu quả kinh tế cao. Đặc biệt là đáp ứng mục tiêu đưa công nghệ vào hoạt động sản xuất kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh”, TS Trang nói.

TPHCM hiện đã xây dựng được hệ sinh thái hợp tác giữa các viện nghiên cứu, trường học và doanh nghiệp. Hệ sinh thái này nhằm hỗ trợ các bên trong việc thương mại hóa nghiên cứu cũng như thay đổi công nghệ khi có nhu cầu.

“Tính đến thời điểm này, TPHCM đã kết nối với trên 40 tổ chức hỗ trợ là các cơ sở ươm tạo thuộc khu công nghệ cao, Công viên phần mềm Quang Trung, các trường đại học, không gian làm việc chung, quỹ đầu tư... Các mô hình KHCN khả thi cũng được Sở KHCN TPHCM kết nối với các nhà cố vấn, quỹ đầu tư trong và ngoài nước để tư vấn hoàn thiện mô hình kinh doanh, tìm kiếm thị trường và rót vốn.

Sở cũng đặt hàng nhiệm vụ khoa học và thu hút nhiều tổ chức, cá nhân, đơn vị tham gia. Qua kết quả nghiệm thu, Hội đồng khoa học đánh giá rất cao các dự án, công trình nghiên cứu bởi tính khả thi, giá thành thấp. Đây cũng là hoạt động kết hợp gián tiếp xây dựng đội ngũ nhân lực cho TP”, ông Phạm Văn Xu, Trưởng phòng Quản lý khoa học, Sở KHCN TPHCM nói.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Thiếu cơ chế mạnh để hút nhân lực công nghệ cao