Chính sách đãi ngộ trong tuyển dụng chưa thỏa mãn
Theo quy định, để được đứng lớp dạy môn Tin học, giáo viên phải tốt nghiệp trình độ cử nhân. Trong khi các trường sư phạm chưa thể tuyển sinh và cung cấp đủ nguồn lực giáo viên cho bộ môn này thì “cơ chế mở” cho các trường thực hiện việc hợp đồng với giáo viên vẫn còn nhiều ràng buộc. Đó là chưa kể chính sách đãi ngộ dành cho giáo viên còn quá thấp.
Cô Nguyễn Thị Kim Hương cho hay: Do ràng buộc bởi biên chế, trường phải hợp đồng với giáo viên Tin học. Dù mức lương thỏa thuận nhưng phải đảm bảo được mức sống tối thiểu thì mới tuyển được, nếu chỉ 4 - 5 triệu đồng/tháng rất khó tuyển. Nguồn lực hỗ trợ chưa có, giáo viên không thuộc chuyên ngành sư phạm phải học chuyển đổi hoặc nghiệp vụ sư phạm để đứng lớp… càng khiến công tác tuyển người khó khăn thêm.
Theo ThS Lê Phan Quốc - Phó Trưởng phòng Đào tạo, Trường ĐH Sư phạm TPHCM, nguyên nhân cốt lõi của việc chưa nhiều người theo học sư phạm tin học bởi mức thu nhập đầu ra chưa đủ sức hút. Với mức lương giáo viên theo quy định hiện nay thì thật khó để kéo người giỏi theo học sư phạm tin học.
“Người giỏi công nghệ thông tin trong bối cảnh của cuộc cách mạng 4.0 hiện nay có thể làm việc tự do, có nhiều đầu việc khác nhau với mức thu nhập tốt hơn rất nhiều mức lương của giáo viên. Đây là mấu chốt vấn đề chúng ta cần nhìn nhận và tìm giải pháp tháo gỡ. Hiện nay, ngoài chính sách hỗ trợ cho sinh viên sư phạm (miễn học phí, hỗ trợ chí phí sinh hoạt 3,6 triệu đồng/tháng), người học không còn chính sách thu hút gì khác. Học xong ra trường công tác thì mức lương tương đối thấp nên sức hút với người học không lớn”, ThS Lê Phan Quốc chia sẻ.
Để giải quyết bài toán thiếu hụt giáo viên cho Chương trình giáo dục phổ thông mới, UBND TPHCM đã có văn bản đề xuất Bộ GD&ĐT cho phép ứng viên có bằng cử nhân (cao đẳng hoặc đại học) chuyên ngành phù hợp môn Tin học, chưa có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm, chưa tham gia giảng dạy tại cơ sở giáo dục phổ thông được tham gia giảng dạy theo hình thức hợp đồng, thỉnh giảng. Các ứng viên này cam kết bổ sung chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm trong vòng 12 tháng tính từ thời điểm bắt đầu tham gia giảng dạy.
Đây được xem là một trong những hướng mở nhằm gia tăng nguồn tuyển giáo viên. Tuy nhiên, theo PGS.TS Nguyễn Kim Hồng - nguyên Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm TPHCM, đây chỉ là giải pháp tình thế giải quyết các vấn đề đặt ra trước mắt. Còn về lâu về dài cần phải có những chính sách và chiến lược mang tính tổng thể, trong đó yếu tố thu nhập và đảm bảo đời sống cho nhà giáo phải là mục tiêu quan tâm lớn nhất.