Theo số liệu của Israel, nước này đã huy động lực lượng lên tới 550.000 binh sĩ, gấp nhiều lần so với 25.000 chiến binh Hamas ở Gaza. Với ưu thế tuyệt đối về sức mạnh quân sự, lại được trang bị đầy đủ các loại vũ khí hiện đại và Mỹ ủng hộ, sau hai tháng đổ bộ vào Gaza, Israel đã không giành được thắng lợi nào đáng kể và không giải phóng được con tin nào ngoài các vụ thảm sát nhằm vào dân thường và phá hủy các cơ sở dân sự.
Tiêu diệt Hamas là một nhiệm vụ hết sức khó khăn. Hamas không chỉ là một lực lượng quân sự, mà còn là cả một chính quyền giành được thắng lợi được trong cuộc bầu cử lập pháp năm 2006 và được người dân Palestine ở Gaza ủng hộ. Trong tình hình như vậy, mục tiêu do Thủ tướng B. Netanyahu đưa ra nhằm xóa bỏ Hamas không dựa trên bất kỳ cơ sở thực tế nào.
Làm suy yếu Hamas có thể là một mục tiêu thực tế hơn là phá bỏ hoàn toàn nó.
Cuộc tấn công của Hamas vào Israel hồi tháng 10. Ảnh: Reuters
Trước đây đã từng xảy ra bốn cuộc xung đột vũ trang với Hamas vào các năm 2008, 2012, 2014 và 2021, nhưng Israel đã không ngăn chặn được các cuộc tấn công bằng tên lửa vào lãnh thổ của mình từ Gaza.
Michael Milstein, giám đốc Diễn đàn Nghiên cứu về người Palestine tại Đại học Tel Aviv, cho rằng việc tiêu diệt Hamas là một nhiệm vụ rất khó khăn. Trong khi đó, nhà phân tích quân sự Amir Bar Shalom của Đài phát thanh quân đội Israel nói: "Tôi không nghĩ Israel có thể loại bỏ mọi thành viên của Hamas, bởi lẽ điều đó có nghĩa là phá hủy chính ý tưởng về Hồi giáo cực đoan".
Tham mưu trưởng quân đội Israel, Tướng Herzi Halevy, cho biết quân đội của ông đã thất bại trong việc đáo trả cuộc tấn công "Lũ lụt Al-Aqsa" do Lữ đoàn Al-Qassam liên kết với Hamas phát động ngày 7/10/2023. Ông nói, quân đội Israel, bao gồm cả lực lượng tình báo, đã không đối đầu được với các sự kiện ngày 7/10/2023. Khi chiến tranh kết thúc, sẽ tiến hành điều tra kỹ về các nguyên nhân của tình trạng này.
Người Palestine nấu ăn giữa những tòa nhà bị phá hủy do các cuộc tấn công của Israel. Ảnh: Reuters
Phát biểu tại Diễn đàn Quốc phòng Reagan, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ LIoyd Austin cảnh báo Israel sẽ phải chịu thất bại chiến lược trong cuộc chiến ở Gaza. Ông nói, việc Israel làm ngơ trước những cảnh báo về số lượng lớn dân thường thiệt mạng có thể biến bất kỳ chiến thắng chiến thuật nào thành thất bại chiến lược.
Cựu Thủ tướng Israel Ehud Barak cho rằng, Thủ tướng đương nhiệm B. Netanyahu đang làm "tổn hại to lớn cho vị trí chiến lược của Israel và dẫn đến một cuộc chiến không có hồi kết. Ông nói: "Nhiệm kỳ Thủ tướng của Netanyahu phải kết thúc sớm. Hiện nay cần phải có một chính phủ đoàn kết dân tộc mở rộng mà không có Netanyahu, Smotrich và Ben Gvir. Chỉ một chính phủ hành động có trách nhiệm và dứt khoát, mới có thể đưa Israel đi đến kết thúc chiến tranh và giành chiến thắng."
Trong một bài đăng trên báo Haaretz của Israel, ông Barak cho rằng sau 50 ngày Israel tấn công Gaza với mục tiêu được tuyên bố là tiêu diệt Hamas, phong trào này vẫn duy trì được khả năng của mình và còn lâu mới tan rã.
Phát biểu bên lề hội nghị khí hậu "COP28" ở Dubai, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron bày tỏ quan ngại về việc chấm dứt thỏa thuận ngừng bắn giữa Israel và Hamas, đồng thời cảnh báo Israel rằng mục tiêu "tiêu dệt hoàn toàn Hamas có thể dẫn đến một cuộc chiến kéo dài 10 năm".
Ông Barak cảnh báo rằng, sự ủng hộ của quốc tế, kể cả của đồng minh Mỹ dành cho cuộc chiến của Israel đang giảm dần. Ông nói, Thủ tướng B. Netanyahu chịu trách nhiệm về tình hình này và ông không còn đủ khả năng để lãnh đạo đất nước.
Biện pháp duy nhất để giải thoát con tin là Israel là thương lượng hòa bình. Cố vấn của Thủ tướng và người phát ngôn chính thức của Bộ Ngoại giao Qatar, Majed Al-Ansari cho biết, các cố gắng hòa giải của Qatar vẫn đang tiếp tục để đưa các bên trở Doha nhằm nối lại đàm phán khôi phục lại thỏa thuận ngừng bắn, trao đổi những người bị giam giữ và đưa hàng cứu trợ nhân đạo vào Gaza.
Tuy nhiên, ông Majed Al-Ansari mô tả quá trình đàm phán này là khó khăn, phức tạp nhất các cố gắng trung gian hòa giải của Qatar đã trải qua từ trước tới nay.