Thông tin từ ông Nguyễn Phương Bắc - Phòng GD&ĐT Lương Tài (Bắc Ninh), nhà trường và giáo viên Ngữ văn trên địa bàn đã xây dựng kho ngữ liệu dùng chung bằng cách tạo trang paled, nhóm Zalo hoặc hòm thư điện tử để tập hợp ngữ liệu theo chủ đề trục thể loại để cùng sử dụng. Các ngữ liệu đưa vào kho tư liệu sẽ được thẩm định, sắp xếp để đảm bảo tính khoa học, tiện ích, phát huy tối đa giá trị sử dụng. Bước đầu hoạt động này đã mang lại hiệu quả.
Chia sẻ kinh nghiệm trong xây dựng ngân hàng ngữ liệu, ông Nguyễn Phương Bắc cho biết: Tổ nhóm chuyên môn, các cụm trường, phòng GD&ĐT trong năm học cần phát động các đợt thu gom ngữ liệu theo chủ đề hoặc trục thể loại; giao cho cá nhân, tổ nhóm sưu tầm để tránh trùng lặp. Sau đó, tạo thành thư viện ngữ liệu mở dùng chung; xây dựng quy chế sử dụng thư viện ngữ liệu và đưa ra các quy tắc để tất cả giáo viên cùng thụ hưởng và có ý thức đóng góp sản phẩm tốt cho tập thể.
Học sinh trong trường cũng được tổ chức sưu tầm ngữ liệu văn học theo đề tài, thể loại. Giáo viên giảng dạy Ngữ văn sẽ là đầu mối tập hợp sản phẩm và đánh giá kết quả hoạt động của học sinh hoặc nhóm học sinh. Việc đóng góp sản phẩm có thể trực tiếp bằng bản in hoặc gõ thành văn bản gửi file mềm qua đường link hoặc nhóm Zalo,… Ngoài ra, giáo viên, tổ nhóm chuyên môn các trường cần tăng cường giao lưu trao đổi nguồn ngữ liệu với đồng nghiệp để làm phong phú hơn nguồn ngữ liệu cho ngân hàng.
Theo cô Vũ Thị Dung - Trường THPT Xuân Phương (Nam Từ Liêm, Hà Nội), xây dựng ngân hàng ngữ liệu môn Ngữ văn giúp “chuẩn hoá”, lựa chọn được ngữ liệu tốt, phục vụ khâu kiểm tra đánh giá, dạy học. Khi chọn ngữ liệu, cô Dung cho biết thường chú ý đến yêu cầu cần đạt của chương trình, kiểu văn bản/thể loại, giá trị chân - thiện - mĩ của ngữ liệu, dung lượng, nguồn dẫn…
“Tôi thường đọc các bài văn học sử, nghiên cứu, phê bình của tác giả uy tín đánh giá về thành tựu của giai đoạn văn học (thành tựu thể loại, tác giả, tác phẩm tiêu biểu); tìm đọc tác giả, tác phẩm tiêu biểu và lựa chọn về kho ngữ liệu của mình. Tạo một thư mục để tập hợp ngữ liệu theo kiểu loại văn bản và thể loại văn học để dùng dần”.
Với cô Phan Thị Loan, kinh nghiệm lựa chọn ngữ liệu là theo thể loại và kiểu văn bản quy định trong chương trình, không theo nội dung. Dựa vào các kiểu văn bản trong sách giáo khoa (kiểu văn bản văn học, thông tin, nghị luận) để lựa chọn ngữ liệu ngoài sách giáo khoa phù hợp. Ngoài việc quan tâm bao quát các kiểu văn bản, cô Loan cũng chú ý tới dung lượng (tổng độ dài không quá 1.300 chữ).
Các ngữ liệu được lựa chọn phải có giá trị về cả nghệ thuật cũng như nội dung, phù hợp với chuẩn mực đạo đức dân tộc, có tính sáng tạo, hấp dẫn. Với kiểu văn bản văn học, mạnh dạn lựa chọn những tác phẩm của tác giả mới, có cách viết hiện đại, ngắn gọn và hàm súc. Cô Phan Thị Loan lưu ý thêm: Cần lựa chọn ngữ liệu theo kiểu loại văn bản được quy định trong chương trình; xây dựng ngân hàng ngữ liệu theo nhiều cấp độ và bảo đảm nguyên tắc bảo mật.
Ngữ liệu phải được lựa chọn có định hướng rõ ràng, tiêu chí cụ thể và được phân chia cho từng cá nhân, nhóm xây dựng để tránh trùng lặp. Trước khi đưa vào ngân hàng, ngữ liệu phải được giáo viên có chuyên môn thẩm định chất lượng. - Ông Nguyễn Phương Bắc