“Một số người cho rằng môn Lịch sử khô khan, nhưng tôi lại nghĩ môn học này rất bổ ích và thú vị. Bởi lịch sử khô hay không là do cách giáo viên giảng dạy. Ví dụ với sự kiện bất kỳ thay vì giáo viên dạy theo kiến thức SGK có thể chuyển tải thành một câu chuyện, hoặc cho học sinh xem đoạn phim có chứa hàm lượng kiến thức tương ứng. Từ đó, trò ghi chép, nhớ lại một số chi tiết quan trọng. Ngoài ra, có thể cho các em tham gia trò chơi giải ô chữ liên quan đến bài học. Khi vừa học, vừa chơi thì học sinh sẽ thích thú và cảm thấy cuốn hút hơn”, cô Hải tâm sự.
Sử dụng sơ đồ tư duy
Với cô Phan Thị Diệu Trang, giáo viên Trường THPT Phan Bội Châu (TP Kon Tum) để thu hút học sinh thì trong quá trình giảng dạy giáo viên cần lồng ghép vào bài học những câu chuyện lịch sử. Bên cạnh đó giáo viên sử dụng sơ đồ hoá để học sinh dễ dàng nắm, ghi nhớ kiến thức.
Cũng theo cô Trang, để ghi nhớ kiến thức nhanh và lâu, học sinh có thể sử dụng sơ đồ tư duy của riêng mình nhằm tái hiện lại sự kiện, mốc lịch sử quan trọng.
“Mỗi học sinh có sự sáng tạo riêng. Ví dụ học sinh có thể vẽ hình cái cây để hệ thống lại kiến thức. Trong đó, mỗi nhánh cây là một mốc thời gian, sự kiện. Giáo viên cũng khuyến khích trò tô màu. Với mỗi màu sắc sẽ tương ứng với một mốc thời gian riêng. Từ đó các em dễ dàng ghi nhớ sự kiện”, cô Trang bộc bạch.
Đặc biệt, cô Trang cho rằng, muốn học sinh thực sự yêu thích, đam mê môn học này thì giáo viên phải linh hoạt thay đổi trong phương pháp giảng dạy, không nên khô khan, cứng nhắc. Thay vì yêu cầu các em đọc, viết lại kiến thức SGK, giáo viên có thể sử dụng các bản đồ, tranh ảnh… để giảng dạy . Bên cạnh đó, kết hợp kể các câu chuyện lịch sử, thời sự Việt Nam - quốc tế hoặc cho học sinh sáng tạo, tư duy… liên quan đến kiến thức, bài học.