Hạ tầng giao thông kết nối cũng được thành phố xác định đầu tư từ nay đến năm 2030 như: xây dựng cầu Cần Giờ; đường kết nối từ vị trí xây dựng cảng với đường Rừng Sác; đường trên cao dọc theo đường Rừng Sác, từ nút giao Rừng Sác với cao tốc Bến Lức – Long Thành tại xã Bình Khánh; đầu tư nâng cấp, mở rộng các cầu trên đường Rừng Sác.
Nguồn vốn đầu tư cảng, các công trình phụ trợ phục vụ hoạt động khai thác cảng, trung tâm dịch vụ logistics và khu vực phi thuế quan dự kiến đầu tư bằng nguồn vốn của doanh nghiệp (chủ đầu tư). Trong khi đó, hạ tầng giao thông, hạ tầng kỹ thuật kết nối cảng được đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước, vốn đầu tư hợp tác công tư (PPP) hoặc các nguồn vốn khác.
Việc nghiên cứu hướng đến mục tiêu xây dựng cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ trở thành trung tâm trung chuyển quốc tế của TP HCM và khu vực, thu hút các hãng tàu, hãng vận tải, chủ hàng, doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ logistics về cảng, tham gia vào chuỗi cung ứng vận tải thế giới.
Dự án dự kiến sẽ tạo việc làm cho khoảng 6.000 - 8.000 nhân viên, lao động làm việc tại cảng. Khi đầu tư hoàn chỉnh, mỗi năm cảng sẽ góp ngân sách 34.000 - 40.000 tỷ đồng thông qua các khoản thuế, phí, lệ phí.
Thời gian qua, hãng tàu MSC (một trong những hãng tàu lớn nhất thế giới hiện nay) đang rất quan tâm, tìm hiểu và mong muốn tham gia hợp tác đầu tư tại cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ và đang tích cực phối hợp với doanh nghiệp Việt Nam nghiên cứu đầu tư.