GDTĐ - Sau ngày Giải phóng thủ đô Hà Nội 10/10/1954, một số nhà lãnh đạo thể dục thể thao ở miền Bắc Việt Nam đã đề cập đến việc phát triển môn cờ Vua, những ngày đầu gọi là cờ Quốc tế, đồng thời với cờ Tướng đang thịnh hành thời bấy giờ. Vào năm 1959 một vài nhóm chơi cờ Vua hình thành ở Hà Nội. Sau đó một số nhóm chơi cờ Vua khác cũng đã được thành lập ở Hải Phòng. Mặc dù chưa có sự chỉ đạo chặt chẽ, song các nhóm cờ Vua vẫn hoạt động đều và có nhiều tiến bộ rõ rệt. Đa số những người chơi cờ Vua ở thời kỳ này đều là những đấu thủ của “làng cờ Tướng” chuyển sang. Với trình độ cờ Tướng sẵn có, những người học cờ Vua tiến bộ khá nhanh và qua nhiều đợt tập huấn, thi đấu, đã có những chuyển biến rõ rệt.
Các giải cờ Quốc tế khu Hoàn Kiếm giai đoạn 1974-1980
Vào giai đoạn 1974-1980, một Câu lạc bộ cờ Vua (thời đó gọi là cờ Quốc tế) đã được thành lập tại Phòng Thể dục thể thao khu Hoàn Kiếm (nay là quận Hoàn Kiếm), ở số nhà 36 phố Hàng Trống, Hà Nội (nay là khách sạn Golden Rice Hotel, Hình 1). Tham gia Câu lạc bộ này giai đoạn đầu đa số là các đấu thủ cờ Tướng Hà Nội chuyển sang chơi cờ Vua như: Lô Ban, Võ Quốc Bảo, Hoàng Văn Bảo, Phạm Thừa Chu, Ngô Văn Đằng, Nguyễn Văn Được, Lưu Đức Hải, Trương Hữu Nghị (Hình 2), Phạm Văn Sửu, Nguyễn Văn Thịnh, Trần Đức Thọ, Trần Đình Trinh…
Một số thành viên câu lạc bộ cờ là các cán bộ được đào tạo các ngành khoa học từ các nước khác nhau, có năng khiếu về cờ Vua công tác tại các cơ quan khác nhau cũng tham gia tập luyện như: Vũ Ngọc Châu (Liên Xô), Nguyễn Anh Minh (Liên Xô), Nguyễn Văn Phẩm (Liên Xô), Phạm Thành Động (Cu Ba), Nguyễn Đình Khôi (Cu Ba)…
Ban tổ chức của CLB và các giải cờ của khu Hoàn Kiếm giai đoạn 1974-1980 gồm các thành viên sau đây:
1. Ông Đinh Xuân Hải (Trưởng phòng TDTT khu Hoàn kiếm)
2. Ông Trịnh Xuân Dục (Cán bộ phòng TDTT khu Hoàn Kiếm)
3. Ông Trần Đình Trinh (Giáo viên trường phổ thông cơ sở Lê Lợi, phụ trách kiêm nhiệm môn cờ Tướng)
4. Ông Lưu Đức Hải (Bộ Xây dựng, giải nhất cờ Tướng Hà Nội 1975, phụ trách kiêm nhiệm phát triển môn cờ Quốc tế).
Giải Cờ Quốc tế đầu tiên ở khu Hoàn Kiếm, Hà Nội 1975
Sau một thời gian hoạt động của Câu lạc bộ cờ Quốc tế khu Hoàn Kiếm, Phòng Thể dục thể thao khu Hoàn Kiếm (nay gọi là quận Hoàn Kiếm) đã quyết định tổ chức Giải Cờ Quốc tế (nay gọi là Cờ Vua) đầu tiên để kỷ niệm 21 năm ngày Giải phóng thủ đô (10/10/1954 - 10/10/1975) và ngày Miền Nam hoàn toàn được giải phóng, thống nhất đất nước (30/4/1975). Giải được tổ chức từ tháng 8 và kết thúc vào tháng 10/1975. Tham dự giải có 18 đấu thủ được chia thành 2 bảng, mỗi bảng 9 đấu thủ đấu vòng tròn để chọn 4 người đầu bảng. Ở vòng 2 còn 8 đấu thủ được chia thành 2 bảng, mỗi bảng thi đấu vòng tròn để chọn 2 người đầu bảng. Vòng bán kết và chung kết được thực hiện thi đấu giữa 2 người đứng thứ hai và 2 người đứng đầu ở hai bảng và kết quả là: Nhất: Lô Ban, Nhì: Phạm Thành Động, Ba: Lưu Đức Hải Tư: Phạm Thừa Chu.
Giải Cờ Quốc tế khu Hoàn Kiếm, Hà Nội 1976
Gần một năm sau khi tổ chức thành công Giải Cờ Quốc tế đầu tiên, Phòng Thể dục thể thao khu Hoàn Kiếm đã tiếp tục tổ chức Giải Cờ Quốc tế khu Hoàn Kiếm 1976. Giải được tổ chức từ 1/6/1976 và kết thúc vào ngày 16/7/1976. Có 10 đấu thủ tham dự giải này được chia thành 2 bảng, mỗi bảng 5 người, mỗi bảng thi đấu vòng tròn và lấy 2 người đầu bảng để đấu tiếp ở vòng 2. Vòng 2 được tổ chức thi đấu giữa 2 người đứng đầu và 2 người đứng thứ hai ở 2 bảng và kết quả như sau: Nhất: Lưu Đức Hải, Nhì: Lô Ban, Ba: Phạm Thừa Chu, Tư: Nguyễn Văn Phẩm.
Ở giai đoạn này do phong trào chưa rộng khắp ở các quận, huyện nên từ 1977-1980 CLB cờ Quốc tế khu Hoàn Kiếm vẫn hoạt động, song các đấu thủ tham dự giải thành phố đăng ký tham gia trực tiếp với Sở TDTT Hà Nội.
Các giải cờ Quốc tế thành phố Hà Nội giai đoạn 1975-1980
Giải Cờ Quốc tế đầu tiên tại Hà Nội được tổ chức từ ngày 3/8 đến 28/8/1975, nhân dịp kỷ niệm 30 năm Quốc khánh. Đây là lần đầu tiên bộ môn cờ (cờ Quốc Tế) được tổ chức thi đấu chính thức bởi Sở Thể dục Thể thao Hà Nội, dưới sự chỉ đạo của ông Nguyễn Đắc Thọ – Giám đốc Sở, cùng các cộng sự như ông Nguyễn Hoàng Hưng, ông Trịnh Quốc Ân, ông Trần Đình Trinh và ông Lưu Đức Hải. Giải đấu quy tụ 16 kỳ thủ, thi đấu theo thể thức loại trực tiếp và vòng tròn.
Ba năm sau, vào tháng 5/1978, Hà Nội tổ chức Giải Cờ Quốc tế lần thứ hai nhân kỷ niệm 88 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh. Giải đấu thu hút 34 kỳ thủ, trong đó có 6 kỳ thủ hạt nhân gồm: Lô Ban, Lưu Đức Hải, Phạm Thành Động, Nguyễn Văn Được, Phạm Thừa Chu và Nguyễn Văn Phẩm. Trải qua nhiều vòng loại trực tiếp và thi đấu vòng bảng, danh hiệu vô địch thuộc về Nguyễn Anh Minh. Các vị trí tiếp theo lần lượt là Đặng Tất Thắng (Nhì), Nguyễn Văn Phẩm (Ba) và Lưu Đức Hải (Tư). Đáng chú ý, đây là lần đầu tiên kỳ thủ Đặng Tất Thắng – người từng du học Liên Xô – xuất hiện và đạt thành tích nổi bật.
Đến tháng 9/1978, Hà Nội tiếp tục tổ chức Giải Cờ Quốc tế lần thứ ba nhân dịp Quốc khánh. Dưới sự tổ chức của ông Lưu Đức Hải, giải đấu diễn ra với thể thức tương tự. Kết quả: Đặng Tất Thắng giành giải Nhất, Nguyễn Anh Minh đạt giải Nhì, Trần Xuân Khương đoạt giải Ba và Nguyễn Thành Đô xếp thứ Tư.
Năm 1979, nhân kỷ niệm 25 năm Giải phóng Thủ đô, Giải Cờ Quốc tế Hà Nội lần thứ tư được tổ chức trong tháng 9 và 10. Với sự tham gia của 22 kỳ thủ, giải đấu tiếp tục khẳng định vị thế phong trào cờ vua tại Thủ đô. Giải Nhất thuộc về Nguyễn Đức Hiếu, tiếp theo là Đặng Tất Thắng (Nhì), Trần Xuân Khương (Ba), Trần Minh Chí (Tư), Vũ Ngọc Châu (Năm) và Lưu Đức Hải (Sáu). Sáu người này đồng thời được xác định là nhóm hạt nhân cho giải đấu năm 1980.
Giải Cờ Quốc tế Hà Nội năm 1980 diễn ra từ ngày 14/9 đến 19/10, nhân kỷ niệm 26 năm Giải phóng Thủ đô. Tổng cộng có 38 kỳ thủ tham dự, trong đó 32 đấu thủ thi đấu vòng loại để chọn ra 8 người vào vòng chung kết, kết hợp cùng 6 kỳ thủ hạt nhân của năm trước. Chung cuộc, Lưu Đức Hải giành chức vô địch, các vị trí tiếp theo lần lượt thuộc về Nguyễn Đức Hiếu, Đặng Tất Thắng, Vũ Ngọc Châu, Trần Minh Chí và Nguyễn Viết Sơn. Đây cũng là nhóm kỳ thủ hạt nhân của giải năm 1981.