Ông Vũ Minh Đức - Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục (Bộ GD&ĐT) trao đổi về thu nhập đội ngũ giáo viên, nhân viên trường học.
Bên cạnh tin vui từ tăng lương cơ sở, giữ phụ cấp thâm niên nghề, Bộ GD&ĐT kiên trì đề xuất điều chỉnh tăng phụ cấp ưu đãi đối với cán bộ quản lý, giáo viên mầm non, tiểu học và kiến nghị giúp đội ngũ nhân viên trường học tăng thu nhập. Ông Vũ Minh Đức - Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục (Bộ GD&ĐT) chia sẻ thông tin cụ thể về vấn đề này.
- Lương, phụ cấp còn thấp dẫn đến tình trạng giáo viên không yên tâm công tác. Bộ GD&ĐT có những giải pháp nào giúp nâng cao thu nhập cho đội ngũ?
- Nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục được hưởng các chính sách bao gồm: Lương, phụ cấp thâm niên vượt khung, phụ cấp chức vụ lãnh đạo (nếu có), phụ cấp khu vực, phụ cấp ưu đãi, phụ cấp thâm niên và một số chính sách khác.
Đối với nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục công tác tại miền núi, vùng cao, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn được hưởng một số ưu đãi như: Hưởng phụ cấp ưu đãi với mức cao hơn so với các nhà giáo dạy ở đồng bằng, thành phố; hưởng thêm một số chế độ phụ cấp, trợ cấp khác như phụ cấp thu hút, công tác lâu năm; trợ cấp lần đầu; trợ cấp một lần khi chuyển công tác ra khỏi vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; thanh toán tiền tàu xe khi nghỉ phép hoặc nghỉ Tết hằng năm, phụ cấp tiền mua và vận chuyển nước ngọt, nước sạch; phụ cấp lưu động, trợ cấp tham quan, học tập, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ.
Bộ GD&ĐT đã thống nhất với Bộ Nội vụ xếp lương theo trình độ chuẩn được đào tạo (Luật Giáo dục 2019). Theo đó, giáo viên mầm non mới tuyển dụng được xếp ở hệ số lương khởi điểm 2,10; giáo viên tiểu học và THCS xếp ở hệ số lương khởi điểm 2,34. Việc xếp lương theo trình độ chuẩn được đào tạo đã giúp cho giáo viên mới ra trường cải thiện một phần thu nhập.
Đặc biệt, theo Nghị định 73/2024/NĐ-CP của Chính phủ, từ ngày 1/7/2024, mức lương cơ sở tăng từ 1.800.000 đồng lên 2.340.000 đồng/tháng (tăng khoảng 30%) giúp nâng cao đáng kể thu nhập của đội ngũ nhà giáo. Bên cạnh đó, giáo viên vẫn tiếp tục được hưởng phụ cấp thâm niên nghề.
- Bộ GD&ĐT từng thông tin đã thống nhất với Bộ Nội vụ việc sẽ tăng phụ cấp cho giáo viên mầm non thêm 10% và giáo viên tiểu học 5% từ năm 2023. Vậy chính sách này thực thi hay không?
- Thời gian gần đây, trong quá trình địa phương thực hiện chi trả phụ cấp ưu đãi đối với nhà giáo đã phát sinh một số khó khăn, vướng mắc do việc sửa đổi, điều chỉnh văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến phân chia các khu vực hành chính.
Bên cạnh đó, theo thống kê, tổng thu nhập (bao gồm tiền lương và các phụ cấp) của giáo viên mầm non, tiểu học chưa tương xứng với hoạt động nghề nghiệp, chưa đảm bảo mức sống cho giáo viên và đáp ứng nhu cầu về an sinh xã hội.
Áp lực về thu nhập là một trong những nguyên nhân dẫn tới tình trạng giáo viên bỏ nghề, chuyển/bỏ việc, thiếu nguồn tuyển, không thu hút được người giỏi vào ngành Sư phạm.
Trên tinh thần kế thừa những quy định phù hợp đã có, Bộ GD&ĐT đang đề xuất Chính phủ điều chỉnh mức phụ cấp ưu đãi đối với giáo viên mầm non, tiểu học để phù hợp với đặc thù của ngành, cấp học; quy định về trình độ chuẩn được đào tạo theo Luật Giáo dục 2019; chủ trương của Ban Chấp hành Trung ương tại Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 21/5/2018 và bảo đảm tính toàn diện, khả thi, phù hợp với điều kiện thực tiễn.
Theo đó, Bộ GD&ĐT xây dựng Dự thảo Nghị định quy định chế độ phụ cấp ưu đãi đối với viên chức ngành Giáo dục (trong đó đề xuất điều chỉnh tăng từ 5 - 10% mức phụ cấp ưu đãi đối với cán bộ quản lý, giáo viên mầm non, tiểu học) nhằm khuyến khích, động viên đội ngũ thực hiện nhiệm vụ chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục trẻ mầm non và giảng dạy, giáo dục học sinh tiểu học. Thời điểm này, Bộ GD&ĐT đã nhận được sự đồng thuận của các bộ, ngành liên quan. Thời gian tới, Bộ GD&ĐT tiến hành quy trình xây dựng Dự thảo Nghị định trình Chính phủ quy định về nội dung này.
- Vậy còn đối với các vị trí nhân viên trường học như văn thư, thư viện, thiết bị, thí nghiệm, y tế trường học, kế toán... tại các cơ sở giáo dục phổ thông công lập thì sao? Đội ngũ này cũng rất trăn trở vì thu nhập quá thấp so với mặt bằng chung.
- Toàn quốc đang có khoảng 150.000 viên chức làm công việc hỗ trợ, phục vụ trong trường học, gồm nhân viên kế toán, y tế, thư viện, thiết bị thí nghiệm, phụ trách công nghệ thông tin, văn thư, thủ quỹ, giáo vụ, hỗ trợ người khuyết tật.
Các nhân viên kế toán, giáo vụ, thiết bị thí nghiệm, hỗ trợ người khuyết tật khi mới được tuyển dụng, bổ nhiệm và xếp lương theo hệ số lương viên chức loại A0 có hệ số lương 2,10 đến hệ số lương 4,89. Như vậy, mức lương dưới 10 năm công tác khoảng 3.600.000 đồng đến 4.800.000 đồng/tháng; trên 10 năm công tác đến khi nghỉ hưu từ 5.400.000 đồng đến 8.800.000 đồng/tháng, chưa tính trích nộp bảo hiểm xã hội. Ngoài ra, nhóm nhân viên kế toán, thủ quỹ được hưởng phụ cấp trách nhiệm 0,1 so với mức lương cơ sở; nhân viên thiết bị thí nghiệm được hưởng phụ cấp trách nhiệm 0,2 so với mức lương cơ sở.
Nhân viên khác (thư viện, y tế, văn thư, công nghệ thông tin) mới được tuyển dụng và bổ nhiệm vào chức danh nghề nghiệp được xếp lương viên chức loại B, từ hệ số lương 1,86 đến hệ số lương 4,06. Như vậy, mức lương dưới 10 năm công tác từ 3.300.000 đồng đến 4.000.000 đồng/tháng; mức lương trên 10 năm công tác đến khi nghỉ hưu từ 4.400.000 đồng đến 7.300.000 đồng/tháng, chưa tính trích nộp bảo hiểm xã hội. Ngoài lương cơ bản, nhân viên y tế được hưởng phụ cấp ưu đãi 20% so với mức lương cơ bản. Nhân viên văn thư, thư viện, công nghệ thông tin không có phụ cấp.
Tổng thu nhập của nhân viên trường học (bao gồm các loại phí đóng bảo hiểm) có thời gian công tác dưới 15 năm dao động từ 3.600.000 đồng đến dưới 7.000.000 đồng/tháng; trong khi khối lượng công việc lớn, phải kiêm nhiệm nhiều nhiệm vụ khác nhau. Nhiều nhân viên kế toán trường học đã bỏ nghề tìm việc khác để có thêm thu nhập lo cho cuộc sống.
Đa số nhân viên trường học chưa được cơ quan quản lý tổ chức thi hoặc xét nâng hạng mà vẫn giữ nguyên hạng chức danh nghề nghiệp kể từ khi mới tuyển dụng, nên hệ số lương hưởng vẫn theo bảng lương viên chức loại B và loại A0.
Hiện, các trường phổ thông thực hiện định mức số lượng người làm việc là nhân viên trường học ít hơn số vị trí việc làm trong nhà trường. Do đó, nhân viên trường học phải kiêm nhiệm thêm các nhiệm vụ khác. Đặc biệt, đội ngũ nhân viên tại các trường phổ thông DTBT, DTNT, ngoài nhiệm vụ chuyên môn còn có trách nhiệm trực, quản lý, chăm sóc, nuôi dưỡng học sinh nhưng không được hưởng mức phụ cấp trách nhiệm 0,3 như giáo viên và cán bộ quản lý công tác tại trường này.
Nhằm giúp đội ngũ nhân viên trường học tăng thêm thu nhập, ổn định cuộc sống và yên tâm công tác, ngày 18/12/2023, Bộ GD&ĐT đã có Công văn số 7066/BGDĐT-NGCBQLGD đề nghị Bộ Nội vụ nghiên cứu, xem xét cho nhân viên trường học được hưởng mức phụ cấp ưu đãi bằng 25%. Đây là mức phụ cấp ưu đãi nghề thấp nhất mà cán bộ quản lý, giáo viên đang được hưởng, cũng là mức phụ cấp công vụ đối với công chức được hưởng.
Đồng thời, khi được tuyển dụng mới, sau hoàn thành tập sự, nhân viên trường học được bổ nhiệm và xếp lương ở bậc 2 trong thang bảng lương của ngạch viên chức tương ứng. Lý do, đội ngũ nhân viên trường học đang hưởng ở bảng lương viên chức loại B và A0; ngoài ra, viên chức giáo vụ, thiết bị thí nghiệm không phân hạng chức danh nghề nghiệp và chỉ hưởng lương ở bảng lương viên chức loại A0.
- Xin cảm ơn ông!