Chẳng hạn như tiệm phở thuê vỉa hè để xe nhưng xả rác, nước thải, hay lấn quá sang phần đường 2m còn lại dành cho người đi bộ.
Vấn đề là làm sao đưa ra các quy định và mức phí hợp lý. Muốn làm điều đó, Sở GTVT phải làm một cuộc điều tra xã hội học thật công phu để trả lời các câu hỏi như những tuyến, đoạn vỉa hè nào được đưa vào cho thuê, chẳng hạn phải rộng hơn 6m, những ai đang kinh doanh trên đó, mặt hàng gì...
Thời gian sử dụng bao lâu, những đoạn đường nào được phép cho thuê, diện tích sử dụng thực tế, mức phí cho thuê không thể áng chừng hay cào bằng vì rõ ràng vỉa hè ở Bùi Viện khác với Điện Biên Phủ, hay một bà bán xôi chỉ sử dụng 2 tiếng buổi sáng khác với một quán phở trên đường Pasteur...
Từ khảo sát đó thì chính quyền TP mới xác quyết mức phí, nơi được sử dụng, thời gian được sử dụng, hình thức chế tài sao cho hợp lý để người dân "tâm phục khẩu phục".
Thêm nữa là cần công khai minh bạch nguồn thu được sử dụng vào việc gì, có quay lại cho hạ tầng hay là hòa vào ngân sách chung.
Những thông tin này cần được công báo công khai, những địa điểm buôn bán được số hóa trên bản đồ điện tử.
Một điều quan trọng hơn là sau khi triển khai thì làm sao duy trì được thành quả lâu dài, không phải theo phong trào.
Đặc biệt, việc quản lý phải chặt chẽ. Hiện nay việc quản lý vỉa hè, lòng đường nhiều nơi bị thả lỏng, làm việc buôn bán, lấn chiếm vỉa hè diễn ra tràn lan.
Một khi việc thu phí vỉa hè được áp dụng, việc quản lý phải chặt chẽ hơn, nếu không sẽ rơi vào tình trạng ngụy biện kiểu "tôi trả tiền thuê tôi có quyền", thế là cảnh mặc ai làm gì thì làm có nguy cơ xảy ra.
Để hiện thức hóa một chủ trương đúng thì phải được chuẩn bị kỹ lưỡng, nhưng không vì vậy mà chần chừ kéo dài chỉ vì những lời bàn ra. Làm thí điểm một vài tuyến, đoạn vỉa hè, rút kinh nghiệm rồi triển khai đại trà, tất nhiên làm sẽ có sai, nhưng nếu sợ sai thì biết bao giờ mới làm được.