Cũng theo ông Sơn, 1 trường ĐH nghiên cứu thể hiện ở nhiều yếu tố, trong đó có tỷ lệ nghiên cứu sinh, tỷ lệ giảng viên trình độ tiến sĩ, có số công bố, nguồn thu từ nghiên cứu. "Hiện nay tỷ lệ các trường có đào tạo tiến sĩ đang chiếm khoảng 30-40% tổng số các trường - là khá nhiều, chúng tôi nghĩ rằng không hiệu quả", ông Sơn nói.
Theo Thứ trưởng, những nơi đào tạo tiến sĩ phải có nghiên cứu, nguồn lực cho nghiên cứu, có khả năng công bố mới có chất lượng được. "Những đợt vừa rồi Bộ rất vất vả về câu chuyện giải trình chất lượng đào tạo tiến sĩ. Vấn đề nằm ở đâu, nằm ở chính việc chúng ta chưa có quy hoạch. Các trường đều muốn đào tạo tiến sĩ, một số trường tư thục đào tạo không hiệu quả nhưng vì sao chúng ta đào tạo?", ông Sơn đặt câu hỏi.
Hiện nay chúng ta có quá nhiều cơ sở đào tạo tiến sĩ nên không tập trung được nguồn lực, chất lượng không đảm bảo sự đồng đều.
Theo đó, Thứ trưởng cho rằng cần xem xét chất lượng đào tạo tiến sĩ ở các trường hiện có hiệu quả hay không, vì sao cần phải đào tạo tiến sĩ. "Bộ phải quyết liệt làm. Không thể trường nào cũng có thể đào tạo tiến sĩ được", Thứ trưởng nói. Theo ông, cần đưa ra yêu cầu để xác định có bao nhiêu phần trăm cơ sở đào tạo tiến sĩ, các cơ sở khác chỉ đào tạo từ ĐH đến thạc sĩ, như thế mới tạo ra chất lượng được.
Ông Sơn cũng chỉ ra, hiện nay số lượng nghiên cứu sinh ở Việt Nam rất thấp, thấp hơn nhiều lần so với tỷ lệ được đào tạo trên thế giới nhưng lại phân tán ở số lượng lớn các cơ sở giáo dục ĐH. "Chính vì chất lượng chưa tốt, nguồn lực chưa đủ, đặc biệt không gắn với nghiên cứu nên chất lượng thấp, số lượng ít và không đáp ứng được yêu cầu", ông Sơn nhận định.
Do đó, Bộ GD-ĐT quy hoạch, nâng chuẩn để các trường xác định rõ sứ mạng của mình, biết tập trung ở phân khúc đào tạo nào. "Chúng tôi nghĩ rằng 1 cơ sở đào tạo đa ngành đa lĩnh vực với 50 ngành ĐH nhưng chỉ 2-3 ngành đào tạo tiến sĩ, thì không nên. Như vậy vừa không hiệu quả vừa khó đảm bảo chất lượng", Thứ trưởng Bộ GD-ĐT nhấn mạnh.