Các nội dung tiếp theo, Thứ trưởng yêu cầu cần chuẩn bị chu đáo, kỹ lưỡng về điều kiện cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật cho Kỳ thi; trong đó đặc biệt lưu ý chuẩn bị các điều kiện nơi đặt Hội đồng in sao đề thi; điểm thi bảo đảm an ninh, an toàn. Cùng với đó là chuẩn bị kỹ các phương án phòng chống dịch tại địa phương. Tăng cường thanh tra, kiểm tra; đặc biệt là công tác thanh tra, kiểm tra tại địa phương, quan điểm là cố gắng tăng kỷ cương, giảm vi phạm. Cuối cùng, cần thực hiện nghiêm túc chế độ thông tin báo cáo theo quy định.
5 yếu tố cơ bản bảo đảm thành công Kỳ thi
Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng, Phó trưởng Ban chỉ đạo cấp quốc gia Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022, trong phát biểu đã nhấn mạnh đến những cụm từ khóa quan trọng trong Chỉ thị số 06 của Thủ tướng Chính phủ, đó là: An toàn, nghiêm túc, minh bạch, khách quan và chất lượng, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho thí sinh trong trạng thái bình thường mới, thích ứng an toàn, linh hoạt, phòng, chống hiệu quả dịch Covid-19; trong đó, từ khóa “an toàn” được nhắc lại nhiều lần.
Để Kỳ thi diễn ra theo đúng yêu cầu, theo Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng, có 5 yếu tố hết sức cơ bản, đó là: Công tác phối hợp; công tác lãnh đạo, chỉ đạo; công tác chuẩn bị cho Kỳ thi kỹ lưỡng, chu đáo; thực hiện nghiêm túc chế độ thông tin, báo cáo theo quy định và làm tốt công tác truyền thông để xã hội hiểu đúng về tính chất Kỳ thi, cùng chia sẻ, phối hợp tham gia.
Về công tác phối hợp, Thứ trưởng làm rõ: Kỳ thi tốt nghiệp THPT diễn ra trên phạm vi toàn quốc với quy mô rất lớn, cả về số thí sinh và chủ thể tham gia tổ chức Kỳ thi, lại diễn ra trong thời gian rất ngắn, nên công tác phối hợp phải hết sức nhịp nhàng. Tên Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về Kỳ thi năm nay có thêm từ “phối hợp” cũng thể hiện cho vai trò quan trọng của công tác này.
Riêng về công tác thanh tra, kiểm tra, Thứ trưởng nhấn mạnh mục tiêu chính là phòng ngừa; phải tham gia từ đầu để ngăn ngặn kịp thời hạn chế, bất cập, không để xảy ra vi phạm. Cán bộ tham gia hoạt động thanh tra, kiểm tra phải được tập huấn để nắm vững các văn bản, quy định, làm đúng chức trách, nhiệm vụ của mình. Cùng với đó, phải kiểm tra, thanh tra tất cả các khâu của kỳ thi. Công tác kiểm tra, thanh tra phải rất kịp thời, vừa theo diện rộng, vừa có trọng điểm; có biên bản, thông báo để rút kinh nghiệm, đề phòng thì hiệu quả công tác thanh tra mới cao...