Nhiều quan chức châu Âu chỉ trích chuyến thăm Nga của Thủ tướng Hungary, nhưng Tổng thư ký NATO có quan điểm riêng.
Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg. Ảnh: CBS News
Ngày 7/7, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg cho rằng chuyến đi mới đây của Thủ tướng Hungary Viktor Orban tới Nga không làm thay đổi quan điểm của NATO việc việc hỗ trợ Ukraine, dù Hungary là nước thành viên của khối quân sự này.
"Thủ tướng Orban đã nói rõ khi đến Moscow rằng ông ấy không thay mặt cho NATO khi đến đó. Các thành viên NATO có những cách khác nhau để duy trì mối quan hệ với Moscow", CBS News dẫn lời ông Stoltenberg nói.
Hungary đảm nhận cương vị chủ tịch luân phiên của EU từ ngày 1/7. Chưa đầy một tuần sau, ông Orban đã tới thăm Ukraine và gặp ông Zelensky. Ngay sau đó, Thủ tướng Hungary có chuyến thăm đến Nga và gặp ông Putin.
Dù nhiều quan chức châu Âu chỉ trích chuyến thăm Nga của ông Orban, nhưng Tổng thư ký NATO nhấn mạnh, cuộc gặp không làm thay đổi mục tiêu chung của khối với Kiev.
"Điều quan trọng với tôi là tất cả thành viên của khối đều đồng ý rằng chúng ta cần phải làm nhiều hơn cho Ukraine, cả về chương trình đào tạo mới và cam kết lâu dài", Tổng thư ký NATO nói thêm. "Và tôi cũng kỳ vọng, tại hội nghị thượng đỉnh NATO bắt đầu vào tuần tới, các nước thành viên sẽ đưa ra thông báo mới về việc tăng cường phòng không và cung cấp đạn dược cho Kiev".
Người đứng đầu NATO nói thêm, yếu tố chính ảnh hưởng đến khả năng NATO đưa ra quyết định hỗ trợ Ukraine là mục tiêu chung vì hòa bình.
"Cách duy nhất để đạt được điều đó là thuyết phục ông Putin rằng Nga sẽ không giành chiến thắng trên chiến trường và rằng ông ấy phải ngồi xuống, chấp nhận một giải pháp có lợi cho Ukraine", ông Stoltenberg lập luận. "Cách duy nhất để thuyết phục ông Putin rằng Nga không thể thắng trên chiến trường là chúng ta tiếp tục hỗ trợ quân sự cho Ukraine. Vì vậy, một giải pháp đàm phán lâu dài cho Ukraine đòi hỏi phải có viện trợ quân sự".
Hội nghị thượng đỉnh NATO (trong tuần này) diễn ra khi các nước thành viên NATO đang chuẩn bị cho khả năng ông Trump tái đắc cử năm nay.
Khi ông Trump còn tại vị, các nước thành viên NATO bị sốc trước lời chỉ trích công khai của ông về việc một số thành viên của khối không đáp ứng các cam kết chi tiêu quốc phòng. Chiến dịch tranh cử của Trump cũng tuyên bố, kêu gọi các đồng minh tăng chi tiêu quốc phòng là một chính sách mà chính quyền mới (nếu ông Trump tái đắc cử) sẽ tích cực hướng đến.
Tại một cuộc vận động tranh cử vào tháng 2 năm nay ở bang South Carolina, ông Trump tuyên bố sẽ khuyến khích Nga "làm bất cứ điều gì" với các nước thành viên NATO không đáp ứng cam kết chi tiêu quốc phòng của khối.