Năm học 2023 - 2024, Bộ Nội vụ đang phối hợp với Bộ GD&ĐT xem xét, căn cứ nhu cầu, so sánh định mức để trình Chính phủ cùng các cấp có thẩm quyền để bổ sung biên chế trong thời gian tới.
Hiện nay, ở nhiều nơi diễn ra tình trạng thừa, thiếu giáo viên cục bộ và thiếu cân đối cơ cấu giáo viên giữa các môn học cùng một cấp học ở các vùng miền có điều kiện kinh tế xã hội khác nhau. Nguyên nhân, theo ông Cường, do các quy định hiện hành về số học sinh/lớp học không phân biệt vùng miền. Nhiều địa phương không bố trí đủ học sinh/lớp, đặc biệt có nơi chỉ 5-10 học sinh/lớp.
Chia sẻ về giải pháp cho những thực trạng trên, ông Triệu Văn Cường cho rằng Bộ GD&ĐT cần khẩn trương hoàn thiện các nội dung liên quan đến thể chế. Bộ GD&ĐT có thể xem xét điều chỉnh biên chế theo từng vùng miền. Các địa phương đẩy mạnh sắp xếp, tổ chức lại các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông gắn với nâng cao chất lượng giáo dục; hình thành trường phổ thông nhiều cấp; chuyển đổi mô hình các cơ sở giáo dục mầm non, THPT công lập sang ngoài công lập ở những nơi có khả năng xã hội hoá. Địa phương cần phê duyệt đề án tự chủ của các cơ sở giáo dục thuộc phạm vi quản lý, trong đó xác định rõ lộ trình tự chủ tài chính.
Với các giải pháp trên, đại diện Bộ Nội vụ mong muốn giảm khó khăn cho ngành Giáo dục bằng cách xã hội hóa, huy động nguồn lực xã hội bằng cách chuyển đổi mô hình trường học. Tuy nhiên, ngay tại thành phố lớn là Hà Nội, mô hình trường tự chủ tài chính đang tạo ra nhiều bất công trong tiếp cận dịch vụ giáo dục. Mô hình này hiện nay không được đưa vào Luật Giáo dục 2019.
Khắc phục khó khăn
Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá cao một số kết quả mà ngành Giáo dục đã đạt được trong năm học vừa qua. Bên cạnh đó, Thủ tướng nêu một số tồn tại, hạn chế cần tập trung khắc phục trong thời gian tới. Việc thực hiện Chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông còn một số bất cập; quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục ở một số địa phương chưa phù hợp, còn tình trạng thiếu trường, thiếu lớp ở một số khu đô thị, khu công nghiệp, khu chế xuất, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Nhiều khu đô thị, khu công nghiệp không dành quỹ đất để đầu tư xây dựng trường, lớp dẫn đến tình trạng quá tải của các trường, sĩ số học sinh/lớp cao hơn nhiều so với quy định, làm gia tăng áp lực trong tuyển sinh đầu cấp, nhất là tuyển sinh lớp 10.
Điều kiện cơ sở vật chất, thiết bị dạy học chưa đáp ứng yêu cầu. Vẫn còn tình trạng thừa, thiếu giáo viên cục bộ, bất cập giữa các cấp học, giữa các địa bàn. Chính sách, chế độ đãi ngộ còn bất cập, chưa hấp dẫn, khó thu hút, giữ chân đội ngũ giáo viên, nhất là nhân lực chất lượng cao ở các thành phố lớn hoặc các địa bàn khó khăn…
Trước khó khăn của ngành, Thủ tướng mong muốn các địa phương dành những nguồn lực tiết kiệm được cho giáo dục.
Thủ tướng yêu cầu, tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện, phát triển chương trình giáo dục phổ thông mới phù hợp với mục tiêu, yêu cầu đặt ra. Đồng thời, khẩn trương hoàn thành việc biên soạn sách giáo khoa điện tử, sách giáo khoa tiếng dân tộc thiểu số, thử nghiệm và sử dụng sách chữ nổi cho người khiếm thị.
Thủ tướng gợi mở một số vấn đề cần triển khai thực hiện trong năm học mới: Kiên quyết không để ma túy xâm nhập học đường, khắc phục tình trạng bạo lực học đường. Chương trình, sách giáo khoa cần tiếp tục đổi mới nhưng cần chuẩn mực và ổn định để phát triển.
*Nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan, Chủ tịch Hội khuyến học Việt Nam đề nghị Bộ GD&ĐT sớm có khảo sát để đánh giá tác động đổi mới SGK, phương pháp giảng dạy. Cần đánh giá về đội ngũ, có chiến lược dài hơi trong đào tạo đội ngũ cho ngành Giáo dục, phải tăng cường đầu tư cho ngành sư phạm.
* Thượng tướng Lương Tam Quang - Thứ trưởng Bộ Công an cho hay dù chỉ có gần 3% học sinh, sinh viên trong tổng số thanh niên phạm tội, nhưng con số này lại có xu hướng tăng. Cụ thể, năm 2021, tăng 30% so với năm 2020; năm 2022 tăng 28,4% so với năm 2021 và 5 tháng đầu năm 2023 tăng khá cao so với 5 tháng cùng kỳ năm 2022.