Bộ Công an cũng được giao chỉ đạo các đơn vị nghiệp vụ và công an các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương phối hợp chặt chẽ với ngành giáo dục và các cơ quan, đơn vị liên quan triển khai các biện pháp bảo đảm an ninh, an toàn cho kỳ thi tốt nghiệp THPT, đồng thời tăng cường phòng, chống hiệu quả việc sử dụng công nghệ cao để gian lận trong kỳ thi.
Về phía UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, Thủ tướng giao nhiệm vụ chỉ đạo tổ chức thực hiện và chịu trách nhiệm toàn diện về kỳ thi tại địa phương; chủ động có phương án và chuẩn bị đầy đủ các điều kiện về nhân lực, vật lực, các điều kiện cần thiết khác để tổ chức kỳ thi, nhất là trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt, bất thường.
Công tác phòng, chống dịch bệnh, vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm, chăm sóc sức khỏe cho thí sinh cũng cần được triển khai và phải theo hướng dẫn của cơ quan y tế.
Với thí sinh và người thân của thí sinh ở các điểm thi, nhất là thí sinh có hoàn cảnh khó khăn, vùng sâu vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi và biên giới, hải đảo, UBND các địa phương cần tạo điều kiện để các em và người thân được thuận lợi về đi lại, ăn, nghỉ.
Bộ Y tế được giao nhiệm vụ chỉ đạo triển khai công tác phòng, chống dịch bệnh, vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm; chuẩn bị nhân lực, vật lực và các điều kiện cần thiết khác bảo đảm khám chữa bệnh cho thí sinh và những người tham gia tổ chức kỳ thi năm nay.
Bên cạnh đó, Thủ tướng giao Bộ Thông tin và Truyền thông chỉ đạo thông tin kịp thời, đầy đủ, chính xác và bảo đảm hạ tầng công nghệ thông tin, bưu chính phục vụ kỳ thi và tuyển sinh đại học, giáo dục nghề nghiệp.