Thư viện -Thông tin: Ngành học hút người trẻ trong kỉ nguyên số

21/06/2023, 15:29
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Chuyển đổi số và nhu cầu nhân lực số ngày càng tăng đã giúp ngành Thư viện - Thông tin học  gia tăng sức hút với người trẻ. 

Hiện nay, Việt Nam mới chỉ đáp ứng được gần 50% nhu cầu nhân lực cho Chương trình chuyển đổi số quốc gia. Trong khi đó, cả nước cần hơn 1 triệu nhân lực số có trình độ từ cao đẳng trở lên để đáp ứng được nhu cầu công việc trong lĩnh vực này.

Khoa Thư viện – Thông tin học (TV-TTH), Trường ĐH KHXH&NV, ĐHQG TPHCM là nơi đào tạo nguồn nhân lực số năng động, uy tín và chất lượng cao. Hiện nay, Khoa TV-TTH đào tạo ở 2 chuyên ngành ở bậc đại học: Thông tin - Thư viện và Quản lý Thông tin. Trong bối cảnh chuyển đổi số, tính ứng dụng thực tiễn của các nhóm ngành thuộc Thư viện – Thông tin học rất cao và nhu cầu về lao động trong lĩnh vực này cũng đang gia tăng.

Cầu nối giữa người dùng và công nghệ thông tin

Nhu cầu thông tin đã trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống hàng ngày của con người. Với sự phát triển nhanh chóng của công nghệ và Internet, việc truy cập thông tin đã trở nên dễ dàng hơn bao giờ hết. Vì thế thị trường cần nhân sự ngành TV-TTH hiểu được nhu cầu, tâm lý thói quen sử dụng thông tin của các nhóm người dùng tin để đưa ra kế hoạch ứng xử phù hợp với các nhóm người khác nhau.

Theo PGS.TS Nguyễn Hồng Sinh – Trưởng khoa Thư viện – Thông tin học, các nhóm ngành thuộc TV-TTH có tính đa lĩnh vực. Cử nhân TV-TTH được trang bị khối kiến thức nền tảng về công nghệ thông tin (CNTT) và các kiến thức liên ngành về xã hội, văn hoá, chính trị, kinh tế và tâm lý. Từ đó, sinh viên có thể ứng dụng năng lực chuyên môn để thực hiện các công việc trong lĩnh vực TV-TTH.

Khối ngành CNTT nặng chuyên về lập trình, còn người học thuộc các nhóm ngành TV-TTH sẽ tập trung vào việc sử dụng các tiện ích của CNTT cho quá trình quản lý và cung cấp tài nguyên thông tin, tìm hiểu nhu cầu và thói quen của người dùng tin khi sử dụng các tiện ích của CNTT. Nhân sự ngành TV-TTH chính là mắt xích quan trọng trong việc hỗ trợ truy cập và sử dụng thông tin, tùy chỉnh hoặc đặt hàng cho việc thiết kế hạ tầng CNTT cũng như quản lý các nguồn tài nguyên thông tin tri thức.

PGS.TS Nguyễn Hồng Sinh khẳng định: “Hoạt động Thông tin – Thư viện luôn giữ vai trò quan trọng cho quá trình phát triển khoa học và đời sống của mọi quốc gia nói chung, cũng như của Việt Nam hiện nay”.

Thực tế cho thấy các hình thức thư viện điện tử, thư viện số, kho lưu trữ số, nguồn học liệu truy cập mở dần được phát triển. Theo đó, hoạt động Thông tin – Thư viện đã giúp con người thuận tiện tiếp cận đến thông tin tri thức, thúc đẩy quá trình sử dụng thông tin tri thức vào việc nâng cao chất lượng học tập, làm việc và sinh sống cũng như lưu giữ và truyền tải di sản tri thức đến các thế hệ sau.

Thư viện -Thông tin: Ngành học hút người trẻ trong kỉ nguyên số ảnh 1

Sinh viên Khoa TV-TTH góp mặt trong đội tuyển trường đạt giải Kỳ thi Lập trình Sinh viên Quốc tế ICPC Asia năm 2020 - Ảnh: Website Khoa Thư viện - Thông tin học

“Cơ hội nghề nghiệp do bản thân quyết định”

Đó là quan điểm của Phan Thị Diễm Hân – Sinh viên năm 3 Khoa Thư viện – Thông tin học, Trường ĐH KHXH&NV.

Diễm Hân cho biết vì là ngành học có tính thực tiễn cao nên các kiến thức luôn được cập nhật từng ngày, khoa thường tổ chức những buổi workshop với các chuyên gia trong ngành hay các buổi giao lưu định hướng nghề nghiệp với cựu sinh viên. Bên cạnh đó, các hoạt động thực tập thực tế cũng chiếm phần lớn trong chương trình của khoa.

Với một số môn học chuyên ngành, sinh viên được sử dụng các công cụ chuyên môn, tại phòng máy tính để sử dụng các phần mềm và ứng dụng công nghệ trong thu thập, tìm kiếm, trình bày, phổ biến và cung cấp sản phẩm và dịch vụ thông tin. Vì vậy, sinh viên có rất nhiều góc nhìn thực tế để xác định công việc trong tương lai.

“Mình cho rằng không nên giữ định kiến về ngành học này thì kiếm được nhiều tiền hơn, ngành kia thì không. Điều quan trọng là bản thân đã tích lũy được gì sau 4 năm đại học, vì cho dù ra làm đúng chuyên ngành nhưng cảm thấy không học được gì thì rất vô ích” – Diễm Hân chia sẻ.

Trong khi đó với Mai Thị Diễm Huỳnh – sinh viên năm 2, Khoa TV-TTH, Trường ĐH KHXH&NV TPHCM, việc học các nhóm ngành xã hội không khiến bạn cảm thấy mình thua thiệt về cơ hội nghề nghiệp với các nhóm ngành tự nhiên, mà ngược lại còn có khả năng cạnh tranh cao.

“Mình không những được trang bị những kiến thức về CNTT mà còn có cả những kỹ năng mềm như giao tiếp, làm việc nhóm, thuyết trình, các kiến thức về quản trị văn phòng, marketing...Từ một người ít nói, ngại đám đông, mình đã dần không còn cảm thấy lo sợ khi giao tiếp với nhiều người” – Diễm Huỳnh tự tin chia sẻ.

Đồng quan điểm, chị Đỗ Hà Phương Thảo – Cựu sinh viên ngành Thông tin – Thư viện cho biết Khoa TV-TTH đã hỗ trợ rất nhiều trong công việc thực tế. “Tại Thư viện ĐHQG TPHCM, mình đã trải qua 3 mảng công việc lớn: phục vụ độc giả, làm truyền thông, làm biên mục. Đối với công việc biên mục, mình đã được các thầy cô trang bị rất kỹ trước khi đi làm nên không gặp quá nhiều khó khăn trong quá trình thực tập. Hiện, với phần việc truyền thông và phục vụ độc giả thì mình tận dụng những kỹ năng mềm tích lũy được trong quá trình học” – Chị Phương Thảo cho biết.

Theo PGS.TS Nguyễn Hồng Sinh, các kỹ năng giao tiếp, kỹ năng viết và nói trước công chúng, kỹ năng tin học và ngoại ngữ là những kỹ năng thường được coi là kỹ năng bổ trợ; nhưng đối với ngành Thông tin – Thư viện đây cũng chính là những kỹ năng mang đặc tính ngành. Vì vậy, trau dồi những kỹ năng này là rất cần thiết.

Trên thực tế, đây là những bí kíp giúp sinh viên khi tốt nghiệp có khả năng tự phát triển bản thân và tìm được những công việc có thu nhập cao. Cũng theo "bật mí" từ những trải nghiệm thực tế của chị Phương Thảo, việc có thêm những kỹ năng bổ trợ, đặc biệt là ngoại ngữ, sẽ giúp sinh viên có cơ hội thỏa thuận được mức lương từ hai con số trở lên với nhà tuyển dụng.

Hiện nay, cơ hội nghề nghiệp của sinh viên TV-TTH rất đa dạng: Nhân viên thư viện làm việc tại các trường học, các cơ quan chính phủ, doanh nghiệp, các tổ chức quốc tế; Nhân viên văn phòng (xử lý hồ sơ, thư ký tổng hợp, quản lý dữ liệu và thông tin, hồ sơ, giấy tờ,…), Nhân viên phân tích kinh doanh; Nhân viên phân tích hệ thống; Nhân viên hỗ trợ kỹ thuật về công nghệ thông tin bao gồm quản trị mạng, phần cứng, phần mềm.

Thư viện -Thông tin: Ngành học hút người trẻ trong kỉ nguyên số ảnh 2

Sinh viên năm 1 được tạo điều kiện tham quan thực tế - Ảnh: NVCC

Ông Nguyễn Mạnh Hùng - Bộ Trưởng Bộ Thông tin – Truyền thông cho biết, nhân lực số là khâu quan trọng để thực hiện chuyển đổi số hiệu quả và bền vững, giúp thực hiện thành công các mục tiêu trong Chương trình chuyển đổi số quốc gia. Việt Nam muốn có đủ nhân lực số thì từ nay đến năm 2030, mỗi năm ước tính phải đào tạo được khoảng 150.000 nhân lực số từ cao đẳng trở lên. Hiện tại, mỗi năm mới đào tạo được 65.000 người, tức là chưa được 50% nhu cầu. Năm 2023 được Bộ Thông tin – Truyền thông xác định là "Năm dữ liệu số quốc gia". Mục đích là nhằm thúc đẩy hoàn thiện các cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu bộ, ngành, địa phương và khuyến khích hoàn thiện các cơ sở dữ liệu của các doanh nghiệp, các thành phần kinh tế. Đây cũng là nền tảng cho xây dựng và phát triển chính phủ số, kinh tế số, xã hội số, nâng cao chất lượng phục vụ người dân và doanh nghiệp

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Thư viện -Thông tin: Ngành học hút người trẻ trong kỉ nguyên số