Thúc đẩy chuyển đổi phát triển công trình xanh trong ngành xây dựng

Phạm Hoa | 30/11/2023, 06:25
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

(GDTĐ) - Các nước trên thế giới và Việt Nam đang có cùng xu hướng tập trung chuyển đổi số và chuyển đổi xanh, phát triển nền kinh tế theo hướng xanh và bền vững.

Mặc dù tốc độ tăng trưởng lĩnh vực xây dựng và bất động sản có chậm lại trong năm 2022 và đầu năm 2023, nhưng xây dựng và bất động sản vẫn là ngành kinh tế quan trọng đóng góp tỷ trọng lớn trong tổng giá trị của nền kinh tế về tỷ lệ đô thị hóa. Đến cuối năm 2022, tỷ lệ đô thị hóa của Việt Nam đạt 41.7%, tăng 1,2% so với năm 2021, cả nước hiện đã có khoảng 890 đô thị.

Quá trình tăng trưởng nhanh của lĩnh vực xây dựng, bất động sản và phát triển đã làm thay đổi bộ mặt đô thị và nông thôn, góp phần đáp ứng nhu cầu nhà ở, phát triển kinh tế xã hội, phát triển các ngành du lịch, dịch vụ, kích cầu tiêu dùng của xã hội.

Cùng với các kết quả mang lại về tăng trưởng kinh tế và đô thị hóa, chúng ta cũng đang phải đối mặt với những rào cản, những áp lực cùng mặt trái của quá trình phát triển. Đó là các áp lực về gia tăng dân số, về suy thoái, ô nhiễm môi trường, về cạn kiệt tài nguyên, về thiếu hụt nguồn cung năng lượng.

Theo các số liệu nghiên cứu, các công trình xây dựng trên thế giới phát thải khoảng gần 40% tổng lượng khí thải carbon, trong đó lượng carbon vận hành công trình chiếm khoảng 28%, và hơn 11% phát thải đến từ carbon hàm chứa từ quá trình sản xuất vật liệu xây dựng và quá trình thi công xây dựng công trình.

Ở Việt Nam, theo số liệu báo cáo của chuyên gia Eurocham tại Diễn đàn kinh tế xanh 2023 diễn ra mới đây cho biết, các công trình xây dựng chiếm 39% năng lượng tiêu thụ, 12% lượng nước tiêu thụ, và phát thải khoảng 38% lượng khí thải carbon.

cong-trinh-xanh.png
Ngành xây dựng thúc đẩy chuyển đổi phát triển công trình xanh.

Thúc đẩy chuyển đổi xanh ngành Xây dựng

Hài hòa và cân bằng giữa tăng trưởng kinh tế cùng bảo vệ môi trường, giữa phát triển và bảo tồn, giữa nâng cao mức sống thu nhập của người dân và đảm bảo công bằng, an sinh xã hội... nhưng đồng thời hướng tới mục tiêu hiện thực hoá cam kết của Việt Nam tại Hội nghị COP26 là việc làm không hề đơn giản.

Mỗi lĩnh vực, mỗi doanh nghiệp, mỗi cá nhân cũng như cả cộng đồng xã hội, đều có vai trò đóng góp để thực hiện các mục tiêu mà Chính phủ đã cam kết. Trong đó, lĩnh vực xây dựng công trình của ngành xây dựng có liên quan chặt chẽ với nhiều khâu, và nếu công trình được thiết kế, xây dựng ban hành theo tiêu chuẩn công trình xanh, sẽ là việc làm thúc đẩy toàn bộ chuỗi cung ứng vật liệu, thiết bị cũng như nguồn nhân lực tư vấn quy hoạch, thiết kế, xây dựng... theo hướng đáp ứng các tiêu chuẩn xanh.

Trong giai đoạn quy hoạch, thiết kế dự án: Việc áp dụng các tiêu chuẩn, giải pháp về xanh được đưa vào ngay từ giai đoạn này, sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các bước tiếp theo của dự án như thi công xây dựng, vận hành... và khi khái toán kinh phí cho các giải pháp xanh cũng được đặt ra từ ban đầu, sẽ tránh gặp phải vấn đề lớn do tăng chi phí cho các giải pháp xanh của dự án.

xay-dung-cong-trinh-xanh.png
Thúc đẩy công trình xanh hướng tới mục tiêu hiện thực hoá cam kết của Việt Nam tại Hội nghị COP26.

Trong giai đoạn lựa chọn vật liệu, trang thiết bị và tổ chức thi công xây dựng công trình: Khi các loại vật liệu đáp ứng các tiêu chuẩn công trình xanh, sử dụng năng lượng, tài nguyên tiết kiệm, hiệu quả, thân thiện với môi trường, phát thải thấp... được lựa chọn, quá trình sử dụng thi công xây dựng công trình sẽ thúc đẩy sự phát triển sản xuất của các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất vật liệu xây dựng, sản xuất các trang thiết bị, tăng lượng cầu, tạo động lực để phát triển sản xuất xanh và tiêu dùng xanh.

Mặt khác, các sản phẩm, trang thiết bị, vật liệu xây dựng đáp ứng các tiêu chí xanh khi được chứng nhận xanh, thân thiện môi trường, tiết kiệm năng lương, phát thải thấp cũng sẽ thuận lợi hơn khi xuất khẩu vào các thị trường đòi hỏi chứng nhận xuất xứ, trách nhiệm môi trường và mức độ phát thải của sản phẩm

Trong giai đoạn sử dụng, vận hành công trình: Quá trình quản lý, sử dụng vận hành các công trình xanh cũng đòi hỏi người quản lý, sử dụng công trình cần có nhận thức, kỹ năng quản lý, vận hành, sử dụng các trang thiết bị, các tiện ích của công trình và có ý thức hơn đối với trách nhiệm bảo vệ môi trường, giảm thiểu chất thải, thay đổi hành vi để sống xanh hơn.

Những giải pháp phát triển công trình xanh

Xu hướng phát triển mạnh mẽ của công trình xanh, và trong thời gian tới là công trình tự cân bằng năng lượng, công trình phát thải bằng không đang được đặt ra trên phương diện toàn cầu cũng như ở Việt Nam.  Việc thực hiện những vấn đề này đang là yêu cầu nhằm hướng tới mục tiêu hiện thực hoá cam kết của Việt Nam tại Hội nghị COP26 

Phát biểu tại buổi hội thảo “Tầm nhìn xanh Việt Nam và những câu chuyện điển hình”, khi nói về việc tạo điều kiện cho việc phát triển công trình xanh, góp phần thúc đẩy chuyển đổi xanh ngành Xây dựng, ông Nguyễn Công Thịnh Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học Công nghệ và Môi trường Bộ Xây dựng cho biết:

image.png
Ông Nguyễn Công Thịnh, Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học Công nghệ và Môi trường, Bộ Xây dựng

Về cơ chế, chính sách: Cần chú trọng việc nghiên cứu, lồng ghép, tích hợp các vấn đề về sử dụng năng lượng, tài nguyên tiết kiệm, hiệu quả, bảo vệ môi trường, giảm phát thải khí nhà kính trong quá trình xây dựng, ban hành cơ chế, chính sách, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch của ngành để đáp ứng mục tiêu phát triển xanh, bền vững.

Tập trung nghiên cứu để xây dựng khung pháp lý cho các loại hình công trình, đô thị như công trình tự cân bằng năng lượng, công trình phát thải ròng bằng không, đô thị xanh, đô thị phát thải thấp, đô thị trung hòa carbon…

Về quy chuẩn, tiêu chuẩn, định mức kinh tế kỹ thuật: Hệ thống các quy chuẩn, tiêu chuẩn, định mức kinh tế kỹ thuật cần được thường xuyên rà soát, bổ sung, chỉnh sửa, ban hành mới để tích hợp, điều chỉnh, bổ sung các quy định, yêu cầu, chỉ tiêu kỹ thuật nhằm hướng dẫn, thúc đẩy, hỗ trợ các dự án, công trình xây dựng thiết kế, thi công xây dựng, vận hành đạt các tiêu chuẩn, chứng nhận về sử dụng hiệu quả năng lượng, tài nguyên công trình xanh, phát thải thấp, trung hòa carbon.

Thúc đẩy việc xây dựng và áp dụng tuyên bố môi trường cho sản phẩm (Environmental Product Declaration-  viết tắt là EPD) có liên quan đến lĩnh vực xây dựng như sản xuất vật liệu xây dựng, sản xuất các trang thiết bị, sản phẩm sử dụng trong công trình ở trong nước và xuất khẩu.

Các sản phẩm, thiết bị, vật liệu có EPD sẽ thuận lợi hơn cho chủ đầu tư, đơn vị tư vấn thiết kế, thi công xây dựng và người sử dụng khi lựa chọn đưa vào dự án đầu tư công trình, cũng như minh bạch và lượng hóa trong tính toán phát thải và tác động môi trường của sản phẩm, thiết bị, vật liệu.

EPD cũng là điều kiện để hàng hóa, sản phẩm có xuất xứ từ Việt Nam dễ dàng xuất khẩu vào các thị trường yêu cầu có chứng nhận dấu chân carbon như thị trường các nước EU.

Đào tạo nguồn nhân lực, tăng cường nhận thức, năng lực chuyên môn kỹ thuật cho các đối tượng liên quan đáp ứng các yêu cầu về quản lý, nghiên cứu, tư vấn thiết kế, thi công xây dựng, đánh giá, chứng nhận, quản lý vận hành các dự án, công trình, sản phẩm vật liệu xây dựng xanh.

Thúc đẩy phát triển tài chính xanh, tín dụng xanh và các cơ chế ưu đãi phí tài chính cho các dự án đô thị xanh, công trình xanh, sản xuất vật liệu xây dựng xanh...

Đẩy mạnh việc truyền thông, nâng cao nhận thức về phát triển các công trình xanh, sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả, giảm phát thải khí nhà kính, trung hòa carbon cả ở phía các cơ quan quản lý nhà nước trong xây dựng cơ chế, chính sách, các chủ đầu tư, các doanh nghiệp sản xuất vật liệu, trang thiết bị, các đơn vị tư vấn, các nhà thầu thi công xây dựng và đối tượng quản lý, sử dụng công trình./.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Thúc đẩy chuyển đổi phát triển công trình xanh trong ngành xây dựng